Anh họ tôi, một thanh niên 22 tuổi có nhân thân và lối sống không được chính tắc cho lắm, hay nói nôm na là lêu lổng, năm ngoái dắt về nhà một cô gái trẻ với cái bụng đã lùm lùm.
Khỏi phải nói, hai bác tôi đã phiền não như thế nào. Một đám cưới chóng vánh diễn ra trong không khí gượng gạo vui cười của hai họ.
Rồi một đứa trẻ ngác ngơ ra đời khi mẹ nó chưa biết quấn tã, đêm ngủ còn nằm đè lên tay con. Rồi bố mẹ nó cáu um lên, ẩu đả ngôn ngữ với nhau vì tiếng khóc đêm của nó làm gián đoạn giấc ngủ của đấng sinh thành. Chưa kể, lấy tiền đâu nuôi con chưa bao giờ là vấn đề đáng bận tâm của họ – cặp vợ chồng đang bình thản tiến tới tuổi 30.
Trong khi đó, chị gái của bạn tôi – một phụ nữ thành đạt vừa qua thời xuân sắc – khó khăn lắm mới kịp làm mẹ ở tuổi 42. Chị ấy có tình yêu đẹp thời sinh viên với một anh bạn đại học. Nhưng rồi ra trường, anh người yêu nhận công tác ở một tỉnh miền Nam. Chị suy nghĩ lung lạc rồi quyết định “quay vào ô mất lượt”, nhường anh cho người kế nhiệm. Bởi chị không thể từ bỏ bao nhiêu nỗ lực bám trụ Thủ đô để khăn gói theo anh.
Một cô bạn khác của tôi thậm chí còn éo le hơn vì đã 40 tuổi mà vẫn độc thân. Cô ấy tham gia các lớp ngoại ngữ, khiêu vũ buổi tối chỉ để tìm kiếm cơ hội kết hôn, nhưng đều bất thành.
Một người kết hôn và sinh con trước tuổi 30 nhưng không đủ điều kiện và trách nhiệm với hôn nhân và gia đình, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Một người khác tuy có điều kiện và trách nhiệm nhưng buộc phải kết hôn muộn, sinh con muộn và chỉ sinh được một con. Vậy ai đáng thông cảm hơn?
Và những người độc thân – hoàn toàn ngoài ý muốn – như cô bạn tôi ở trên, liệu có đáng được cảm thông?
Chúng ta biết, nhờ chính sách hạn chế sinh con thứ 3 trước đây mà dân số Việt Nam hiện nay là 96.208.984 người (số liệu đến năm 2019), ít hơn 20 triệu người so với dự báo. Ổn định dân số đã góp phần vào thành công của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội những năm qua.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có tới 22 địa phương có mức sinh thấp hơn so với mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 – 2,2 con). Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của từng địa phương. Cụ thể, chúng ta đang đứng trước nguy cơ dân số già, dự báo khả năng thiếu hụt lao động trong tương lai.
Đặc biệt, đang tồn tại một nghịch lý là nhiều tỉnh thành phát triển, dân trí cao thì người dân ngày càng ngại kết hôn và sinh con (tỷ suất sinh của TPHCM là 1,39; Đà Nẵng 1,88; Bình Dương: 1,54…) trong khi đó những tỉnh thành nghèo hơn lại sinh nhiều con hơn (tỷ suất sinh của Yên Bái là 2,74; Nghệ An: 2,75; Hà Tĩnh: 2,83…). Điều này dẫn đến hệ lụy là mất cân bằng về chất lượng dân số.
Do đó, điều chỉnh chính sách dân số cũ không còn phù hợp với tình hình thực tiễn là việc làm cần thiết. Vấn đề còn lại chỉ là điều chỉnh như thế nào, bằng công cụ gì… để không gây xáo trộn lớn, không vi phạm quyền tự do lựa chọn của công dân.
Khuyến khích thì đúng rồi. Từ nay trở đi, những cặp vợ chồng kết hôn trước tuổi 30, phụ nữ sinh đủ 2 con và kết thúc việc sinh con trước tuổi 35 sẽ được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, con được ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…
Mừng là thế mà cũng có những nỗi lo. Những nội dung như “có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con”, “tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”… khiến nhiều nghĩ thấp thỏm liệu rằng sắp tới có xuất hiện những “chế tài” nhằm “tăng trách nhiệm” thay vì khuyến khích hay không?
Nhật Bản, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang áp dụng chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con để cải thiện tình trạng dân số già, bằng các hỗ trợ tài chính và an sinh xã hội. Song chưa thấy quốc gia nào có chế tài xử phạt việc độc thân hay là kết hôn muộn, không sinh con của người dân.
“Chẳng Chính phủ nào dự báo được hoa sữa nở”, thế nên cũng sẽ không có Chính phủ nào khái quát hóa được cuộc đời của mọi công dân để giúp họ lựa chọn thời điểm kết hôn và sinh con. Song khuyến khích chính là một sự khích lệ lớn nhất với mỗi công dân về trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với xã hội,
Việc cần làm là khuyến khích, hỗ trợ chứ cũng không ai can thiệp sâu vào cuộc sống của mỗi cá nhân, khi chưa ở trong hoàn cảnh của họ. “Đèo bòng” trước tuổi 30, mừng đó nhưng có không ít người nặng nỗi lo bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”
Theo Người đưa tin
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/deo-bong-truoc-tuoi-30-vua-mung-vua-lo-a474505.html