noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười 22, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiĐến lượt dòng vốn giữa Mỹ và Trung Quốc lọt vào “tầm...

    Đến lượt dòng vốn giữa Mỹ và Trung Quốc lọt vào “tầm ngắm”

    Việc Mỹ hạn chế đầu tư vào Trung Quốc sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh kinh tế kéo dài nhiều năm giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào các bộ phận quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.

    Chính quyền của ông Biden đã tranh luận về biện pháp này trong gần 2 năm nay. Nhà Trắng đã thông báo cho các đối tác G7 của mình về các hạn chế đầu tư cho các ngành công nghệ cao và hy vọng sẽ nhận được sự tán thành tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Bảy nền kinh tế tiên tiến (G7), dự kiến bắt đầu vào ngày 19/5 tại Nhật Bản.

    Ngay sau khi nhận được sự ủng hộ quốc tế, có khả năng cao là ông Biden sẽ ký sắc lệnh hành pháp về biện pháp này, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh kinh tế kéo dài nhiều năm giữa Mỹ và Trung Quốc, Bloomberg cho biết.

    Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ vốn đã áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Gần đây hơn, Washington đã tìm cách hạn chế xuất khẩu các công nghệ chủ chốt của mình. Giờ đây, dòng vốn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nằm trong “tầm ngắm”.

    Tác động của biện pháp mới

    Theo Bloomberg, các nhà đầu tư phần lớn không cảm thấy lo ngại về việc nhiều hạn chế hơn sẽ được áp dụng, cho biết rằng chúng sẽ ảnh hưởng rất ít đến hoạt động kinh doanh thực tế của họ vì đầu tư của Mỹ vào một số lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã giảm dần.

    “Các hạn chế, nếu được thực hiện, sẽ không có tác động lớn đến các lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc”, ông Wu Chaoze, nhà phân tích trưởng về viễn thông tại CSC Financial (Trung Quốc), cho biết. Quy mô đầu tư của Mỹ vào trí tuệ nhân tạo (AI), chip và điện toán lượng tử của Trung Quốc là không đáng kể vì các quỹ của Mỹ đã tránh đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc trong vài năm qua, ông nói.

    Thế giới - Đến lượt dòng vốn giữa Mỹ và Trung Quốc lọt vào “tầm ngắm”

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay trong cuộc hội đàm hôm 14/11/2022, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Ảnh: Getty Images

    Theo một số nhà bình luận, với thặng dư tài khoản vãng lai hiện đang ở mức 400 tỷ USD hàng năm, Trung Quốc là nhà đầu tư ròng ở các quốc gia khác. Họ không cần vốn nước ngoài; ngược lại, Bắc Kinh có vốn để đầu tư vào nơi khác.

    Tuy nhiên, các nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ cung cấp chuyên môn và lời khuyên cũng như tài trợ, và lệnh cấm đầu tư của Washington vào một số lĩnh vực công nghệ cao sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc, đồng thời ngăn cản dòng tài sản trí tuệ quay trở lại Mỹ, các nhà bình luận cho biết.

    “Mỹ đã nỗ lực hướng tới điều này trong một thời gian, và các khoản đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực nhạy cảm đã giảm dần”, ông Marvin Chen, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết. “Tuy nhiên, công nghệ Trung Quốc sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn trong nước và sự hỗ trợ của nhà nước khi đầu tư nước ngoài tiếp tục suy giảm”.

    Phản ứng của Trung Quốc

    Trung Quốc có lợi thế trong việc phát triển 6G và công nghệ điện toán lượng tử, nhưng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi cố gắng thúc đẩy lĩnh vực chip của mình, ông Jason Poon, nhà phân tích trưởng tại tổ chức tư vấn Hong Kong Strategy Solutions, nhận định.

    Khi nền kinh tế Trung Quốc cất cánh trong 3 thập kỷ qua, các công ty Mỹ đã đổ tiền vào khi họ tìm cách giành lấy một phần thị trường rộng lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới và giảm chi phí sản xuất cho chuỗi cung ứng.

    Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), tổng vốn đầu tư tích lũy của các doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc có trị giá gần 120 tỷ USD vào cuối năm 2021, với khoảng một nửa trong số đó là vào lĩnh vực sản xuất.

    Kế hoạch áp đặt các hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Hôm 21/4, Trung Quốc cáo buộc Mỹ chính trị hóa các vấn đề công nghệ.

    Thế giới - Đến lượt dòng vốn giữa Mỹ và Trung Quốc lọt vào “tầm ngắm” (Hình 2).

    Một con chip liên lạc của hệ thống vệ tinh định vị BeiDou-3 được trưng bày tại triển lãm công nghệ cao quốc tế ở thành phố Miên Dương, Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, ngày 16/11/2022. Ảnh: Global Times

    “Đây là sự ép buộc kinh tế và bắt nạt công nghệ một cách trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời phá vỡ trật tự kinh tế và thương mại quốc tế cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói.

    Trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 21/4, ông Uông cho rằng mục tiêu thực sự của Washington là “tước quyền phát triển của Trung Quốc”.

    Theo nhà ngoại giao, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy việc tách rời khỏi Trung Quốc (decoupling) và sử dụng sự ép buộc kinh tế để gây áp lực lên các đồng minh của mình. Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích của mình.

    Lập luận của Mỹ

    Chính quyền Biden tuyên bố rằng họ áp đặt các hạn chế đầu tư vì lý do an ninh quốc gia – một điểm được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh trong một bài phát biểu hôm 20/4 – chứ không phải nhằm kìm hãm sự phát triển của một siêu cường đối thủ, như Bắc Kinh đã lập luận.

    Sắc lệnh hành pháp sẽ bao gồm các lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử – tập trung vào các khoản đầu tư mà các công ty Mỹ đóng vai trò tích cực trong việc quản lý. Điều đó bao gồm vốn mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân, cũng như một số hình thức chuyển giao công nghệ và liên doanh. Các quan chức tham gia soạn thảo sắc lệnh cho biết, nó nhắm vào các khoản đầu tư mới tiềm năng chứ không phải các khoản hiện có.

    Một số loại hình đầu tư sẽ bị cấm hoàn toàn, trong khi những loại hình khác sẽ yêu cầu các công ty thông báo cho Chính phủ Mỹ. Các chi tiết sẽ được phác thảo trong một bộ quy định, và các công ty sẽ có một thời gian để đưa ra phản hồi trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

    Các quan chức Mỹ nói rằng các giới hạn đầu tư nhằm “bóp nghẹt” nguồn tài trợ quan trọng và ngăn thất thoát các bí quyết có thể nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc.

    Trong bài phát biểu tại Washington hôm 20/4 đề cập đến quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, bà Yellen cho biết, việc hạn chế đầu tư ra nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến “những công nghệ nhạy cảm cụ thể có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc gia”.

    “Những hành động an ninh quốc gia này không được thiết kế để chúng tôi đạt được lợi thế kinh tế cạnh tranh, hoặc kìm hãm quá trình hiện đại hóa kinh tế và công nghệ của Trung Quốc”, bà Yellen nói, tuyên bố rằng Mỹ sẽ theo đuổi những lo ngại về an ninh liên quan đến Trung Quốc ngay cả khi Washington buộc phải đánh đổi các lợi ích kinh tế của mình, và sẽ tham gia và phối hợp với các đồng minh và đối tác về các chính sách.

    Minh Đức (Theo Bloomberg, AsiaTimes)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU