Phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 28/2 do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu một số quan điểm về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai.
Thứ nhất, theo Khoản 1 Điều 224 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở hoặc hoà giải tại Toà án”.
Theo bà Hà, quy định này chưa thực sự hợp lí và có sự mâu thuẫn với khoản 3 Điều 224 Dự thảo. Bởi vì, hoà giải tại Toà án theo khoản 3 Điều 224 Dự thảo bao gồm hoà giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và hoà giải theo pháp luật về hoà giải đối thoại. Trong đó, hoà giải theo pháp luật tố tụng dân sự thì đó là bắt buộc chứ không phải là khuyến khích.
Do đó, khoản 1 Điều 224 Dự thảo vị chuyên gia cho rằng nên quy định Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở theo pháp luật hoà giải ở cơ sở, hoặc hoà giải tại Toà án theo pháp luật hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Thứ hai, Khoản 2 Điều 204 Dự thảo quy định về hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND.
Đại diện trường Đại học Luật cho rằng giống như Luật Đất đai năm 2013 thì trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa làm rõ được vấn đề hoà giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp có phải là bắt buộc đối với tất cả các tranh chấp đất đai hay không. Và nếu là bắt buộc thì những tranh chấp đất đai nào không bắt buộc phải hoà giải ở UBND.
Trong khi đó, để cho UBND hoà giải các tranh chấp đất đai hợp lí. Bởi trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp tranh chấp đất đai đã được UBND hoà giải thành công và việc hoà giải thành ở UBND sẽ hạn chế bớt việc khởi kiện đến Toà án và từ đó giúp Toà án giảm tải được áp lực công việc.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng trừ một số loại tranh chấp do tính chất đặc thù không bắt buộc phải hoà giải ở UBND như tranh chấp về giao dịch liên quan đến đất đai (về bản chất là tranh chấp về giao dịch dân sự, thương mại); tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất (về bản chất là tranh chấp về thừa kế tài sản); tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng khi li hôn, trong thời kì hôn nhân hay sau khi li hôn (về bản chất là tranh chấp về hôn nhân và gia đình) thì các tranh chấp khác nên quy định theo hướng bắt buộc qua hoà giải ở UBND xã, phường nơi có đất.
Sau khi các bên tranh chấp đã hoà giải ở UBND mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật đất đai mà UBND không tiến hành hòa giải, trừ các tranh chấp đất đai không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải thì các bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Việc hoà giải tranh chấp đất đai tại Toà án sau đó sẽ được thực hiện theo pháp luật về hoà giải đối thoại tại Toà án và pháp luật tố tụng dân sự.
Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo quy định tại Điều 225 Dự thảo Luật Đất đai thì việc trao thẩm quyền giải quyết toàn bộ tranh chấp đất đai cho Toà án là hợp lí. Điều này vừa khắc phục được hạn chế trong quy định của Luật Đất đai năm 2013 là nếu mỗi một bên đương sự lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khác nhau (Toà án hoặc UBND) thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết.
Hơn nữa, việc Toà án giải quyết tất cả các tranh chấp đất đai là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về chức năng nhiệm vụ của Toà án.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh để Toà án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp đất đai thì cần sự phối hợp chặt chẽ của UBND. Điều này cũng đã được quy định trong Dự thảo.
Nhưng để nâng cao trách nhiệm của UBND trong việc phối hợp với Toà án trong giải quyết tranh chấp đất đai từ cần phải có quy định về chế tài đối với trường hợp UBND không thực hiện trách nhiệm phối hợp.
Xem thêm:
10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
[Trực tiếp] Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)
Sửa quy định chuyển mục đích sử dụng đất cần lấy ý kiến từ nhân dân
Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/de-xuat-trao-tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-cho-toa-an-a595659.html