Tiếng chiêng vang vọng
Với phương châm để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang nơi đại ngàn, những năm qua nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tổ chức mời nghệ nhân về trường giảng dạy cho các em học sinh nhằm lưu giữ bảo tồn nét văn hoá đặc trưng của người Tây Nguyên.
Là người con của buôn làng từ khi sinh ra A Thao Dương, lớp 6C, Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Hai Bà Trưng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, đã có niềm đam mê với cồng chiêng. Khi mới vào lớp 1, Dương theo ông bà đến tham gia các lễ hội văn hoá. Khi nghe tiếng chiêng và thấy điệu múa xoang uyển chuyển, Thao Dương rất thích thú. Thế rồi, Thao Dương xin ông dạy cách đánh cồng chiêng.
“Khi còn nhỏ, sức yếu em không thể cầm nổi chiếc chiêng nên thường tựa vào chân rồi học cách đánh. Sau nhiều ngày lệch nhịp, đến nay, em đã thuộc được 2 bài chiêng truyền thống của dân tộc Jrai. Em rất yêu thích tiếng chiêng và muốn học thêm nhiều bài nữa để gìn giữ văn hoá của dân tộc”, em A Thao Dương tâm sự.
Chia sẻ với PV, em Y Hân, lớp 9C, cho biết, đều đặn chiều thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, thầy cô giáo lại vào làng nhờ già làng, nghệ nhân giúp cho em cũng như nhiều bạn học sinh trong trường tập liệu các bài công chiên truyền thống.
“Trước kia, em có dịp được theo cha mẹ tham dự các lễ hội văn hoá lớn nhỏ của làng. Khi thấy các bà, các mẹ nhịp nhàng, uyển chuyển trong điệu xoang em rất thích. Do đó, khi nhà trường thành lập đội cồng chiêng – múa xoang em đã đăng kí tham gia. Ban đầu, tay chân em vụng về nên múa chưa đẹp. Sau một thời gian được già làng chỉ dạy em dần cảm được nhạc và múa đúng, đẹp, mềm dẻo hơn. Thời gian rảnh rỗi, em dạy lại điệu xoang cho các em nhỏ trong nhà. Khi thấy em yêu văn hoá truyền thống cha mẹ em rất vui và ủng hộ nhiệt tình”, em Hân chia sẻ.
Lưu giữ, phát huy văn hoá bản sắc
Cô Đặng Thị Thu Thuỷ, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Hai Bà Trưng cho hay, năm học này toàn trường có 405 học sinh. Trong đó, có 62 em tham gia đội cồng chiêng và múa xoang của trường.
“Hiện nay, tất cả các khối lớp của trường và 4 làng dân tộc thiểu số tại địa phương đều có đội cồng chiêng – xoang. Để có được đội chiêng như ngày nay thời gian đầu khá khó khăn với nhà trường và học sinh vì chẳng mấy ai còn mặn mà. May mắn có sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và già làng nên dần dần các em yêu thích, tích cực tham gia. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo điều kiện để đội cồng chiêng – xoang được trình diễn trong các cuộc thi, lễ hội”, cô Thu Thuỷ bộc bạch.
Theo cô Thuỷ, trong chương trình đào tạo của trường, ngoài dạy văn hoá, mục tiêu giáo dục là nâng cao năng lực, phẩm chất và giá trị truyền thống. Do đó, việc phát huy bản sắc văn hoá địa phương được nhà trường đặc biệt chú trọng. Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nét đẹp, mà còn là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, nhà trường tích cực lồng ghép, tổ chức cho học sinh trải nghiệm văn hoá truyền thống vào các buổi hoạt động ngoại khoá.
“Sau 4 năm thành lập đội cồng chiêng, chúng tôi nhận thấy những thay đổi tích cực từ học sinh và phụ huynh. Các em đã dần yêu thích, đam mê và muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Không những vậy, phụ huynh cũng rất ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng, tạo điều kiện cho con em được luyện tập. Đây là niềm vui, sự tự hào của nhà trường”, cô Thuỷ nói.
Không muốn văn hoá truyền thống dần bị mai một, nhiều nghệ nhân tại Kon Tum đã hỗ trợ nhà trường dạy cồng chiêng cho học sinh. Nghệ nhân ưu tú A Biu (Tp.Kon Tum) là một trong những người tích cực truyền dạy cồng chiêng cho các em người dân tộc thiểu số.
“Trải qua một thời gian truyền dạy, mình thấy rất mừng khi các cháu từ cấp 1 đến cấp 3 yêu thích và đam mê cồng chiêng – múa xoang. Khi chứng kiến thế hệ trẻ kế cận, phát huy những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình thật sự hạnh phúc”, nghệ nhân A Biu chia sẻ.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/de-tieng-cong-chien-mai-ngan-vang-noi-dai-ngan-a607584.html