Cú hích phát triển du lịch
PV: Thưa ông, sau khi đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2023, tỉnh Bình Thuận đã gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Bùi Thế Nhân: Sự kiện Năm Du lịch Quốc gia (DLQG) 2023 diễn ra đã góp phần tạo sự phát triển đột phá về du lịch của tỉnh. Qua đó, Bình Thuận có nhiều cơ hội phát triển kinh tế du lịch hơn; đồng thời giới thiệu hình ảnh, đất nước con người, văn hóa Bình Thuận đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước một cách hiệu quả.
Hiện, tỉnh vẫn đang thực hiện tốt các nội dung theo chủ đề Năm DLQG 2023, từng bước thay đổi thói quen trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch, thực hiện ứng xử văn minh với khách du lịch.
Riêng đối với Bình Thuận, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng rất lớn về lượng khách, doanh thu du lịch (lần đầu tiên Bình Thuận lọt vào top các địa phương trong cả nước có doanh thu trên 10.000 tỷ đồng).
Sau khi được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận – Hội tụ xanh” cùng với việc đưa vào khai thác 2 tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, góp phần thu hút các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến Bình Thuận. Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đón gần 9 triệu lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt 22.300 tỷ đồng; GRDP du lịch đạt 9.750 tỷ đồng, đạt 9,11% trên tổng GRDP toàn tỉnh.
Nhiều sản phẩm, điểm, tuyến du lịch đặc sắc mới được hình thành và thu hút khách như: Bãi biển-công viên giải trí NovaWorld Phan Thiết, công viên nước Wonderland, tuyến du lịch Tà Năng – Phan Dũng đưa vào hoạt động thử nghiệm, khu vui chơi giải trí mạo hiểm trong khu phức hợp Centara, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ,… được khuyến khích, hỗ trợ hoạt động, thu hút lượng lớn khách tham quan, trải nghiệm, góp phần phục vụ tốt nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được sau khi đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2023, tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Điển hình như nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo.
Sản phẩm du lịch chưa đa dạng; Lượng khách du lịch tăng trưởng chủ yếu là khách trong nước; Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư hoàn thiện; Nhận thức của doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch theo hướng bền vững còn hạn chế,…
PV: Năm 2024 được dự báo vẫn là một năm khá khó khăn với các ngành nghề, trong đó có du lịch. Tỉnh Bình Thuận sẽ có chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thưa ông?
Ông Bùi Thế Nhân: Để phục hồi và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, thu hút du khách quốc tế đến Bình Thuận, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã có vài đề xuất để hỗ trợ thu hút khách về doanh nghiệp du lịch của tỉnh như: Mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, ….
Dựa trên đặc điểm sản phẩm du lịch vùng, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nắm giữ vai trò điều phối để xây dựng các sản phẩm quảng bá chung theo vùng, có tính riêng biệt, độc đáo hoặc là sản phẩm quảng bá chuyên đề để dùng chung khi đi quảng bá xúc tiến các nước; trên tinh thần các tỉnh đều có những hình ảnh được giới thiệu với bạn bè quốc tế, bên cạnh các sản phẩm quảng bá mang tính chọn lọc, đại diện một số điểm đến như hiện nay.
Có các chương trình đào tạo nhân lực cấp trung trở lên chuyên sâu về marketing (tiếp thị), kỹ năng chăm sóc khách hàng…chuẩn quốc tế để vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo chuẩn dịch vụ đồng bộ trên cả nước cho thị trường khách quốc tế.
Chúng tôi cũng tăng cường tổ chức, kết nối với các đơn vị lữ hành quốc tế, kết nối giữa lữ hành quốc tế với lữ hành nội địa để tổ chức các đoàn famtrip (một kiểu hình thức du lịch nhằm tìm hiểu, làm quen và tiếp thị) khảo sát, xây dựng tour (chương trình du lịch) đến các địa phương.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng có lựa chọn, mang tính chuyên nghiệp trong tổ chức và trong huy động xã hội hoá; Tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các kênh truyền thông quốc tế.
Xây dựng và phát triển mô hình ban đêm trong du lịch
PV: Nhiều du khách nhận xét, ngoài thắng cảnh tuyệt đẹp thì sản phẩm du lịch Bình Thuận còn thiếu những công trình giải trí nhân tạo quy mô lớn, những sản phẩm du lịch độc đáo đáp ứng nhu cầu du khách có thu nhập cao. Trong thời gian tới, tỉnh có giải pháp nào để du khách đến Bình Thuận sẽ tiếp tục quay trở lại, thưa ông?
Ông Bùi Thế Nhân: Để thu hút khách trong nước và quốc tế đến với Bình Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xanh – sạch – đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ du lịch. Chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách. Duy trì hình ảnh du lịch Bình Thuận là điểm đến an toàn, thân thiện.
Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, chú trọng khai thác tốt thị trường mục tiêu gắn với phát triển thị trường mới. Đặc biệt áp dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch theo xu hướng hiện nay. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong những năm tới.
Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối để thúc đẩy liên kết các vùng trọng điểm phát triển du lịch, các tỉnh, thành trọng điểm trong khu vực như nâng cấp quốc lộ 28B, đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết. Chủ động, tích cực tìm kiếm và huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các trục giao thông chính nối các khu du lịch ở tỉnh; khu dịch vụ Hàm Tiến, kè chắn sóng, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung.
Tăng cường quản lý đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, ứng xử thân thiện, giải quyết tốt các vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ du lịch; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch; tích cực phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật nhà nước về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn du khách, điều kiện kinh doanh, niêm yết giá… đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; kiểm soát tốt hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch.
Tỉnh sẽ chú trọng phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch; phát triển mở rộng địa bàn du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.
PV: Để du lịch Bình Thuận cất cánh vươn tầm quốc tế, tỉnh Bình Thuận đã có những hoạch định nào, thưa ông?
Ông Bùi Thế Nhân: Trong thời gian tới, ngành du lịch Bình Thuận sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch bền vững như: xây dựng Đề án thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thiện hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc Nam đoạn qua Bình Thuận, trục đường ven biển; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch; Tiếp tục triển khai các gói kích cầu để thúc đẩy thị trường khách du lịch;… nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách;
Phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển chung của quốc tế và Việt Nam. Thực hiện đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả. Với thế mạnh là địa phương có du lịch phát triển mạnh mẽ, Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành công mô hình kinh tế ban đêm.
Hiện nay, Bình Thuận đang hoàn chỉnh đề án phát triển kinh tế ban đêm. Việc hình thành phát triển kinh tế ban đêm hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh, con người Bình Thuận đến du khách trong và ngoài nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/de-du-lich-binh-thuan-cat-canh-a650317.html