Làm tốt công tác phòng ngừa
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Phát biểu ý kiến, ĐBQH Trần Công Phàn- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, đại biểu đoàn Bình Dương bày tỏ đồng tình các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp, đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu rất rõ các vấn đề đạt được, chưa đạt được và các kiến nghị để thực hiện tốt trong thời gian tới.
Qua các báo cáo, đại biểu Trần Công Phàn nhận thấy nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao.
“Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đều được nâng lên, truy tố, xét xử đúng người đúng tội và không có trường hợp làm oan người vô tội”, ông Trần Công Phàn nêu và nhấn mạnh đây là những chỉ tiêu rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp trong năm 2023.
Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, các kết quả đạt được trong điều kiện biên chế và kinh phí chưa đầy đủ, áp lực công việc rất nhiều.
Mặc dù, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tội phạm vẫn gia tăng nhiều. Do đó, đồng tình với báo cáo Ủy ban Tư pháp, đại biểu đề nghị cần chú ý hơn đến công tác phòng ngừa, tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa.
“Đây không phải trách nhiệm chỉ của các cơ quan pháp luật, các cơ quan tư pháp mà trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả các cơ quan”, đại biểu Trần Công Phàn bày tỏ và cho biết có hai loại hiện tượng “tích cực” và “tiêu cực”. Nếu làm giảm tiêu cực thì có thể tấn công trực tiếp vào tiêu cực, nhưng có những biện pháp chúng ta phải làm tăng tích cực lên, từ biện pháp về kinh tế, xã hội… cho tích cực tăng lên thì sẽ giảm được tiêu cực, chứ không phải chỉ tập trung vào giảm tiêu cực.
“Do đó, tôi đề nghị phải rất chú ý đến việc này và đến lúc phải tổ chức nghiên cứu căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa”, ông Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Cho rằng vẫn còn một số cơ quan còn chưa phối hợp tốt, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị các cơ quan pháp luật trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm cần: “Tăng cường hơn nữa việc phối hợp để làm đúng, tìm ra chân lý chứ không phải phối hợp để chúng ta đồng tình làm sai. Vì tội phạm chỉ có “có tội” hay “không có tội” và “là tội gì?”. Do đó, các cơ quan phải thuyết phục, phối hợp với nhau để tìm ra chân lý đó có tội là tội gì? hoặc không có tội. Mặc dù phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhưng phải tăng cường hơn nữa”.
Nêu thực tế kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán áp dụng pháp luật trong nhiều trường hợp là không thống nhất. Do đó, đại biểu cho rằng khắc phục bằng cách tăng cường hướng dẫn, giải thích để khi vận dụng luật thì có một ý kiến thống nhất.
Nhận thấy các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát có tính chất rất đặc thù, đại biểu Trần Công Phàn bày tỏ, việc cấp kinh phí và biên chế, trang thiết bị giống như các cơ quan hành chính sẽ rất khó khăn.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến các cơ quan tư pháp nói chung và Viện Kiểm sát, Tòa án nói riêng trong việc cấp kinh phí, biên chế, trang thiết bị tương xứng với các nhiệm vụ đặt ra. Vì nhiệm vụ ngày càng nhiều hơn, áp lực càng cao hơn nên cần phải bổ sung cho phù hợp.
Hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đồng tình, nhất trí cao với các nội dung đã được đánh giá tại báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Các báo cáo cơ bản đã phản ánh, phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức và những vấn đề mới nảy sinh phải giải quyết, nêu rõ những kết quả đạt được theo chỉ tiêu của Quốc hội giao, những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, trong năm 2023, số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản. Nhóm tội phạm phức tạp trở lại như cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn, mâu thuẫn vay nợ, tranh chấp đất đai, tài sản, một số vụ do người tâm thần, người nghiện ma túy gây án.
Nữ đại biểu cho biết, hiện nay với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin.
Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm này, trong đó phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích làm rõ và đưa ra giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người; cách tiếp cận, sàng lọc thông tin; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng…
Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dbqh-tran-cong-phan-can-tang-cuong-viec-phoi-hop-de-tim-ra-chan-ly-a636949.html