Có bỏ giấy chuyển viện được không?
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nêu ý kiến liên quan vấn đề bảo hiểm y tế, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là “rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi”.
Theo đại biểu, hiện công nghệ thông tin đã tiến bộ và việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông suốt.
Hiện tại, hơn 93% dân số Việt Nam đã có bảo hiểm y tế thì việc có thêm “barie đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ”.
Đại biểu đề nghị đẩy mạnh tiến hành trình thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tới phải làm sao để người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc… “Phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này”, ông Trí nêu.
Tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu quan điểm giải quyết vấn đề chuyển viện để giảm thủ tục cho người dân nhưng phải đảm bảo bền vững của hệ thống y tế cũng như tránh quá tải ở tuyến Trung ương.
Bà Lan cho biết với Luật khám chữa bệnh, luật cũ quy định việc khám chữa bệnh phân làm 4 cấp, còn luật mới phân làm 3 cấp, nêu rõ điều kiện cấp nào được khám chữa bệnh ở mức nào, căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng của người bệnh.
Từ 2014, Bộ trưởng Y tế cho biết việc chuyển từ tuyến dưới lên trên phải theo tuần tự nhưng đến năm 2016 đã thông tuyến cấp huyện và năm 2021 thông tuyến toàn tỉnh.
Việc chuyển tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân cơ bản được giải quyết, vấn đề bây giờ là người dân có được đi thẳng từ tuyến huyện lên Trung ương hay không.
Nói rõ luôn vấn đề này, Bộ trưởng Y tế khẳng định việc chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh quá tải dồn lên tuyến trên.
Bà Lan cho biết hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: Từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân; từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài.
Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.
Trả lời trực tiếp câu hỏi “có bỏ giấy chuyển viện được không?”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.
Giải quyết vay mượn thiết bị, vật tư y tế là rất khó
Bên cạnh đó, liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, việc triển khai thực hiện Kết luận số 25 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023 về việc triển khai thực hiện các chế độ ưu đãi đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ dân số không nằm trong đối tượng tại Nghị định số 05 này.
“Trong thời gian đó, Bộ Y tế cũng đã nhận được kiến nghị của cử tri về chế độ cán bộ làm công tác dân số. Bộ Y tế đã cử các đoàn công tác tại các địa phương để nắm bắt tình hình. Từ đó, Bộ đã có văn bản 5492 gửi UBND các tỉnh việc rà soát lại chính sách cho cán bộ dân số”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách của địa phương có nhiều nơi bố trí cán bộ dân số làm công tác khác nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định. Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo đúng vị trí việc làm, đúng chức danh. Trong trường hợp phải làm các nhiệm vụ y tế khác thì phải đảm bảo phụ cấp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Bộ cũng đã đề nghị, sắp tới khi triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số. Làm sao đảm bảo phụ cấp cao nhất theo quy định để đảm bảo đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc”.
Về vấn đề vay mượn thiết bị, vật tư y tế trong giai đoạn đại dịch, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong quy định về mua sắm đấu thầu, không có quy định về hình thức vay trước trả tiền sau, vay rồi mới đấu thầu để trả lại. Ví dụ khi chống dịch vay kit test, nay không thể mua hiện vật này để trả lại.
Khẳng định việc bệnh viện tạm ứng vay mượn trang thiết bị y tế trong giai đoạn cấp bách là cần thiết để đảo bảo sinh mạng cho người dân. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ trước năm 2024 giải quyết vấn đề vay mượn ở cơ sở y tế, đó là việc rất khó.
“Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương đề nghị báo cáo thực trạng vay mượn thiết bị. Đến nay đã thống kê được 48 địa phương, 7 bộ ngành, số vay mượn là 1.693 tỷ đồng, trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 754 tỷ, kit xét nghiệm 939 tỷ”, Bộ trưởng Y tế nêu.
Theo Bộ trưởng, trên cơ sở này Bộ Y tế sẽ phân loại hình thức vay mượn để xây dựng phương án xử lý triệt để.
“Tinh thần là do chưa có quy định trong luật nên Chính phủ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ cơ chế gỡ khó cho các bệnh viện”, bà Lan nói và cho biết Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã đưa vào hình thức vay mượn, ứng trước trang thiết bị vật tư y tế, các đơn vị đang làm hướng dẫn chi tiết cho việc này.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dbqh-than-giay-chuyen-vien-phien-toai-bo-truong-y-te-noi-gi-a636775.html