noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcĐBQH băn khoăn chuyện sửa lỗi sách giáo khoa

    ĐBQH băn khoăn chuyện sửa lỗi sách giáo khoa

    Theo các chuyên gia giáo dục nhiều quyển sách còn “sạn”, trong khi đó ĐBQH Việt Nga thì bày tỏ sự băn khoăn trong việc sửa lỗi.

    Tạo hiệu ứng không tốt

    Liên quan đến việc nhiều cuốn sách giáo khoa (SGK) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) xuất bản vẫn còn “sạn”, trao đổi với PV trước thềm kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV,  Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH đoàn Hải Dương) cho rằng, “sai thì sửa” là việc thuận theo lẽ tự nhiên.

    Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy có nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các giáo viên, phụ huynh và cả học sinh về những bộ SGK mới. Trong số các ý kiến, thì vấn đề đáng lưu tâm nhất đó là những sai sót. Bởi, theo Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội “SGK không được phép sai sót”.

    Giáo dục - ĐBQH băn khoăn chuyện sửa lỗi sách giáo khoa

    ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có hiệu đính, sửa chữa những “hạt sạn” trong bộ sách giáo khoa đã phát hành.

    Điều này không chỉ dư luận xã hội lên tiếng mà ngay cả nghị trường Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề sai sót của SGK, ngành GD&ĐT cũng có cam kết sửa chữa, hiệu đính những sai sót này.

    “Nhưng, theo thông tin tôi nhận được cho đến thời điểm này, cũng còn rất nhiều “sạn” trong SGK chưa được hiệu đính, sửa chữa. Đây là điều rất đáng tiếc. Bởi, từ lúc công luận có ý kiến về những sai sót trong SGK đến nay đã đủ thời gian để thực hiện công tác sửa chữa, hiệu đính. Thậm chí, nếu sai sót nghiêm trọng hơn thì có thể in lại SGK”, đại biểu Việt Nga cho hay.

    Theo đại biểu, nếu sai sót đó là đúng thì cần phải sửa, ban đầu chưa thể in lại SGK được thì có thể có tài liệu hiệu đính. Bởi, nếu cứ để những sai sót đó thì sẽ có nhiều hệ lụy.

    Nữ đại biểu chỉ ra, hệ lụy đầu tiên cảm giác của dư luận khi phát hiện sai sót đó là do chậm trễ, thậm chí thiếu tinh thần cầu thị trong việc sửa chữa và hiệu đính những sai sót.

    “Dưới góc độ cá nhân, tôi rất thông cảm với sự bộn bề công việc, áp lực của ngành khi thực hiện đổi mới chương trình SGK. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn những sai sót sớm được hiệu đính để học sinh có được bộ SGK chuẩn mực”, đại biểu Việt Nga nói.

    Nếu không được sửa kịp thời, thì sẽ cung cấp những kiến thức chưa được chuẩn cho học sinh, gây ra những hậu quả không tốt.

    “Do đó, tôi rất mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có hiệu đính, sửa chữa những “hạt sạn” trong bộ sách giáo khoa đã phát hành, để có được một bộ SGK chuẩn”, đại biểu Việt Nga cho hay.

    Bên cạnh đó, liên quan đến việc có hay không việc NXBGDVN đã thu hồi 110.000 cuốn sách đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6?

    Về vấn đề này, đại biểu Việt Nga cho biết Bộ GD&ĐT đã trả lời rất rõ ràng là “đã thu hồi”. Tuy nhiên, để trả lời đã thu hồi kịp hay chưa hoặc thu hồi đến đâu, con số đó có thực tế hay không? thì nữ đại biểu cho rằng “cần một cuộc thanh tra kiểm tra, chứ không thể đoán biết được”.

    Theo đại biểu Việt Nga, trong quá trình thu hồi những cuốn SGK để không lưu hành thì phần chi phí không nhỏ dù của bên nào đi chăng nữa cũng là nguồn lực xã hội. Đây cũng là việc rất lấy làm tiếc, nhất là trong lúc chúng ta vẫn còn phải chắt chiu dồn các nguồn lực cho giáo dục.

    Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Việt Nga nhấn mạnh: “Khi làm sách giáo khoa thì cố gắng tránh được càng nhiều sai sót càng tốt. Bởi, việc sai sót không chỉ làm lãng phí tiền bạc mà còn tạo hiệu ứng không tốt. Do đó, khi làm SGK phải rất thận trọng, khắt khe trong quá trình biên soạn và in ấn SGK”.

    Nhiều quyển SGK có “sạn”

    Không phải ngẫu nhiên câu chuyện sách giáo khoa có lỗi sai liên tục được đề cập trên các hội thảo, diễn đàn. Dù được phản ánh nhiều lần nhưng các bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam vẫn luôn bị vướng phải những lỗi sai gây khó khăn cho người học và người dạy.

    Theo đó, liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều phản ánh về những lỗi của các bộ sách của NXBGDVN.

    Đơn cử, trong cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo, người đọc đã chỉ ra ở mục Hoạt động 5 cuốn sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo lớp 11 của nhóm biên soạn do Đinh Thị Kim Thoa – Nguyễn Thị Bích Liên (đồng chủ biên) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy đang có “sạn”.

    Giáo dục - ĐBQH băn khoăn chuyện sửa lỗi sách giáo khoa (Hình 2).

    Bìa bản 2 cuốn sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Chân trời sáng tạo).

    Có ý kiến cho rằng, nhóm biên soạn cuốn sách trên đã định hướng sai về khái niệm ngành học với nghề, và nhầm lẫn trong việc “biến” các trường đào tạo ngành học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thành trường đào tạo nghề của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

    Tiến sĩ Lê Đông Phương – cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, trong việc tư vấn về hướng nghiệp, chọn nghề và phát triển sự nghiệp, những người biên soạn sách giáo khoa luôn cần phân biệt cho học sinh 3 khái niệm có liên quan nhưng lại rất khác nhau, đó là: ngành học/ngành đào tạo – nghề làm việc và ngành/lĩnh vực kinh tế.

    Đánh giá về nội dung biên soạn bản 2 cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, nhóm biên soạn đã đánh đồng trường đào tạo nghề với trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Điều này không đúng với quy định pháp lí hiện nay.

    Cụ thể, các trường đào tạo nghề hiện nay thuộc quản lý Nhà nước của Tổng cục Giáo dục – Nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Đơn vị này cũng từng khẳng định Bộ Giáo dục không đào tạo nghề.

    “Việc đưa các trường đại học, học viện là những đơn vị đào tạo theo ngành, vào trường đào tạo nghề là sai về cách hiểu, bên cạnh đó là sự nhầm lẫn về cơ quan quản lý Nhà nước.

    Nhóm biên soạn đã không hiểu được khái niệm về đào tạo nghề với đào tạo đại học, và phân loại về hệ thống giáo dục đào tạo”, Tiến sĩ Phương chia sẻ.

    Bên cạnh sự “nhầm lẫn” trên, Tiến sĩ Phương cũng cho rằng, nhóm biên soạn còn hiểu sai giữa nghề với ngành đào tạo, đây là sai lầm lớn.

    Trong khi đó, Thầy Mai Văn Túc – giáo viên môn Vật lý (Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với người viết rằng, nội dung trong sách giáo khoa Vật lí 10 – bộ Chân trời sáng tạo (Phạm Nguyễn Thành Vinh – Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) còn nhiều “sạn”.

    Thầy Túc đã chỉ ra “sạn” ở các trang 116, 117, 122, 124… về một số khái niệm,  giới thiệu dụng cụ trong hình vẽ còn thiếu, sách giáo viên phần gợi ý trả lời chưa chính xác…

    Theo thầy Mai Văn Túc, chỉ riêng một bài nói về “động lượng” và ứng dụng mà đã có ít nhất khoảng 30 chi tiết lớn nhỏ. Do đó, thầy Túc mong Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, các tác giả viết sách xem lại và cần có giải pháp sớm để khắc phục các “sạn” còn trong cuốn sách.

    Còn đối với môn Ngữ văn, môn học được cho là mắc phải nhiều lỗi sai nhất, ngoài nội dung, cách trình bày, hiện nay nhiều giáo viên dạy lớp 6, lớp 7 còn bối rối với bộ sách Chân trời sáng tạo.

    Một số đoạn văn được giảng dạy hiện nay có một số chú thích về tác phẩm chưa rõ ràng, cụ thể. Hình ảnh, tiểu sử tác giả được đặt ở cuối các bài học nên dễ gây hiểu lầm.

    Thông thường, việc trích dẫn câu nói, đoạn văn cần phải chú thích rõ lấy từ nguồn nào, ghi đầy đủ tên tác giả, tác phẩm để thể hiện sự tôn trọng với tri thức người viết cũng như tạo sự thuận lợi cho người dạy và học. Tuy nhiên, một số bài học ở môn Ngữ văn, bộ sách Chân trời sáng tạo có cách chú thích khiến khó hiểu, không rõ ràng.

    Theo tìm hiểu của người viết, không chỉ bộ Chân trời sáng tạo có “sạn”, mà thờì điểm năm 2020, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông cũng đã chỉ ra một loạt “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên.

    Theo Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, cuốn sách này mắc nhiều lỗi như: sai kiểu câu; câu hỏi mơ hồ; nội dung bài học một đằng, tranh minh họa một nẻo. Những tưởng chỉ có sách lớp 1 có sạn nhưng không, sách Tiếng Việt 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống tiếp tục lặp lại vết xe đổ của sách Tiếng Việt 1 – cùng Tổng Chủ biên và nhà xuất bản….

    Thu hồi, chỉnh sửa SGK thực hiện ra sao?

    Trước đó, dư luận xôn xao việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thu hồi 110.000 cuốn sách giáo khoa, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Động thái của NXBGDVN và Bộ Giáo dục và Đào tạo được cho là có tính cầu thị, trước ý kiến phản ánh của cử tri và công luận về những bất cập trong sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống – NXBGDVN.

    Tuy nhiên, trước con số 110.000 cuốn sách bị thu hồi và 38.000 cuốn sách được hủy và in lại của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống mà Bộ GD&ĐT nêu trong công văn số 104/BGDĐT trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại hội trường kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, dư luận không khỏi băn khoăn về tính thực tiễn của số liệu này.

    Bộ GD&ĐT chắc hẳn phải nắm được năm học 2021 – 2022, trên phạm vi cả nước có bao nhiêu em học sinh học lớp 6.

    Đồng thời, là cơ quan chủ quản của NXBGDVN, Bộ GD&ĐT hẳn cũng nắm rõ bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần sách giáo khoa trong cả nước. Số lượng 110.000 cuốn sách có lẽ chỉ tương đương với số học sinh lớp 6 của một thành phố lớn mà thôi. Vậy kế hoạch thu hồi sách này thực hiện theo văn bản nào, quy mô tổ chức thực hiện ra sao?

    Giáo dục - ĐBQH băn khoăn chuyện sửa lỗi sách giáo khoa (Hình 3).

    Dư luận xã hội đặt nghi vấn về thực hư việc thu hồi SGK của NXB GDVN?

    Cũng trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ GD&ĐT cho biết, “NXBGDVN đã gửi tài liệu điều chỉnh thay thế các văn bản, các ngữ liệu chưa phù hợp để sử dụng trong dạy học, bảo đảm yêu cầu của Chương trình; chỉ đạo các nhà trường, giáo viên kịp thời sử dụng các văn bản ngữ liệu khác để thay thế”. Vậy tài liệu mà NXBGDVN gửi xuống các cơ sở giáo dục để thay thế là những tài liệu nào, thay thế những ngữ liệu trong cuốn sách nào, kèm theo công văn chỉ đạo nào của Bộ GD&ĐT?

    Về việc chỉnh sửa những sai phạm trong SGK Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, văn bản số 104/BGDĐT-GDTrH ngày 12/01/2022 của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “NXBGDVN đã tiếp thu, chỉnh sửa, và hướng dẫn giáo viên lưu ý vấn đề này trong sách giáo viên Khoa học tự nhiên 6”. Trên thực tế, khi phát hành SGK sẽ đồng thời phát hành sách giáo viên và một số sách tham khảo khác. Vậy tại sao SGK sai không sửa mà NXBGDVN lại chỉ sửa sách giáo viên?

    Câu hỏi được đặt ra: Có hay không việc NXBGDVN đã thu hồi 110.000 cuốn sách đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6? Có hay không việc các cuốn sách Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6 đã được thay các ngữ liệu khác cho phù hợp hơn? NXBGDVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, vậy trách nhiệm đối với những tổn thất cho việc thu hồi, sửa chữa sách và những công việc liên quan khác sẽ thuộc về ai?

    Nhiều cuốn sách giáo khoa của NXBGDVN liên tiếp bị phát hiện “lỗi chồng lỗi” khiến không ít ý kiến cho rằng NXB xem thường dư luận, không tiếp thu để sửa chữa một cách triệt để.

    Khi phản ánh với báo chí, các chuyên gia trong ngành giáo dục mong muốn NXBGDVN cầu thị, nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa, biên soạn lại nội dung cho phù hợp.

    Khánh Linh

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU