noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngĐẩy mạnh đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài

    Đẩy mạnh đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài

    Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

    Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

    Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại Hội nghị phổ biến Quyết định 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030,” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 22/2, tại Hà Nội.

    Độ “phủ sóng” của hàng Việt ngày càng tăng

    Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam sang nước ngoài được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và doanh nghiệp nhằm xuất khẩu, phân phối hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.

    Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiệu quả của đề án trong giai đoạn 2016-2020 đã được thấy rõ rệt khi độ “phủ sóng” hàng Việt Nam ngày càng nhiều trong các đại siêu thị, các hệ thống phân phối hiện đại tại nước ngoài. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển khá tốt phương thức xuất khẩu hàng hóa thông qua các siêu thị lớn đang đầu tư tại Việt Nam.

    Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài được đưa vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản (tập đoàn Aeon), Mỹ (Walmart), Pháp và Thái Lan (Big C, MM Mega Market), Thái Lan (Central Retail)…; tại châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Trung Quốc; tại châu Âu là Italy, Pháp, Anh; tại châu Mỹ có Hoa Kỳ và một số thị trường các quốc gia châu Phi.

    Tiêu biểu là Tuần hàng Việt Nam năm 2022 tổ chức từ ngày 1/7 đến 3/7/2022 tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town Mori, tỉnh Saitama (Nhật Bản) và tại tất cả các siêu thị, cửa hàng bán lẻ (GMS) thuộc hệ thống Aeon tại Nhật Bản được đánh giá mang tính hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện Đề án này. Thông qua đề án, nhiều loại sản phẩm Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn đã được AEON nhập khẩu và được đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của doanh nghiệp này.

    Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam, cũng cho hay trong năm 2022 xuất khẩu của Việt Nam qua kênh Amazon khởi sắc, tăng tới 80%, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Theo đó, đã có gần 10 triệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử, với giá trị xuất khẩu tăng 45% so với năm ngoái. Tập trung chủ yếu là sản phẩm nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng cá nhân và gia đình…

    Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết với việc triển khai đề án, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất… đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp toàn thế giới.

    “Xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

    Chú trọng yếu tố phát triển bền vững

    Mặc dù hiệu quả của việc triển khai đề án là rất rõ, song để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua mạng lưới phân phối nước ngoài thì việc đáp ứng các “tiêu chí bền vững” là hết sức quan trọng.

    Về tiêu chí phát triển bền vững, ông Shiotani, Tổng giám đốc Công ty CP Aeon Topvalu Việt Nam chia sẻ câu chuyện về chuối tươi tại thị trường Nhật Bản.

    Theo đó, mỗi năm công ty này nhập hàng chục ngàn tấn chuối với kim ngạch lên tới 100 triệu USD, nhưng có đến 70% chuối đến từ thị trường Philippines. Lý do được đưa ra là sản lượng chuối tại đây khá ổn định về giá cả và chất lượng, nên cạnh tranh được với các thị trường khác.

    Tuy vậy, từ năm 2018, Aeon ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Nhật bắt đầu triển khai. Nhờ vị ngon hơn hẳn và phản hồi tích cực từ khách hàng, từ năm 2022 xuất khẩu chuối tươi sang Nhật tăng lên với tỉ trọng xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang Nhật Bản chiếm hơn 50%.

    “Việc lựa chọn nhà cung cấp dựa trên mô hình sản xuất tuần hoàn, có chu trình khép kín để tạo ra chuối tươi. Doanh nghiệp ngoài trồng chuối còn có hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và chăn nuôi bò. Do vậy, những chất thải từ chăn nuôi được sử dụng để làm phân bón cho cây chuối và trái không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì làm thức ăn cho vật nuôi. Hầu như lượng chất thải bằng 0, nên đây là mô hình có thể nhân rộng”, ông Shiotani nói.

    Theo ông Shiotani, cùng với chất lượng và giá cả, một trong những tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp vào các hệ thống phân phối nước ngoài đó là đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

    Tương tự, ông Aly Ansari, Giám đốc cao cấp Phụ trách nguồn cung, Tập đoàn Walmart Hoa Kỳ chia sẻ, doanh nghiệp luôn chú trọng những yêu tố cạnh tranh về chất lượng, giá cả, nâng cao tay nghề công nhân và giá trị bền vững.

    Cụ thể, Walmart kỳ vọng các sản phẩm khi mua và bán sẽ được sản xuất từ các nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho người lao động, an toàn và hoạt động đề cao tầm quan trọng phẩm giá người lao động.

    Về an toàn thực phẩm, nông sản cần tăng cường chất lượng quản lý sản phẩm nông sản. Khuyến khích tiêu chuẩn chung về chất lượng và an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng thị trường trong nước và xuất khẩu.

    “Chúng tôi rất chú trọng vào những sản phẩm được làm ra bởi những nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho công nhân, đề cao phẩm giá người lao động. Các sản phẩm nông sản thì tăng cường chất lượng quản lý, đáp ứng về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm nông thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nếu Việt Nam áp dụng các giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu để nuôi trồng sẽ được ưu tiên”, ông Aly Ansari cho hay.

    Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

    Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu-châu Mỹ, cho biết nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương về vai trò của các kênh phân phối nước ngoài ngày càng sâu sắc thêm và kênh phân phối nước ngoài ngày càng được đánh giá cao, được coi là một kênh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu một cách có hiệu quả.

    Ông Linh mong muốn các địa phương phát huy vai trò, tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các sản phẩm có thế mạnh, lựa chọn một số thị trường thực sự có tiềm nâng và tập trung vào một số doanh nghiệp đầu tàu để từ đó làm động lực cho ngành hàng xâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.

    Theo ông, ngoài các Vụ thị trường nước ngoài, cùng với hơn 60 thương vụ ở các nước trên thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tham mưu, hướng dẫn chiến lược việc tiếp cận thị trường đồng thời thông tin, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống thu mua và phân phối nước ngoài.

    Đặc biệt, tập trung kết nối các đầu mối lớn nước ngoài về địa phương thu mua và tổ chức đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối cũng như tổ chức tuần hàng nước ngoài.

    Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.

    Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU