Reuters ngày 20/6 đưa tin một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra rằng tình trạng băng tan đang diễn ra ngày càng nhanh hơn tại khu vực Hindu Kush Himalaya (gọi tắt là HKH, bao gồm dãy Himalaya và dãy Hindu Kush), nơi có hai ngọn núi Everest và K2 nổi tiếng.
Theo đánh giá của Trung tâm Quốc tế về Phát triển Miền núi Tích hợp (ICIMOD), một cơ quan khoa học liên chính phủ có trụ sở tại Kathmandu (Nepal), chuyên nghiên cứu về khu vực HKH, trong những năm 2010, lượng băng tuyết tích tụ trên dãy Himalaya sụt giảm với tốc độ cao hơn 65% so với thập kỷ trước đó.
Philippus Wester, nhà khoa học môi trường và là lãnh đạo của nhóm nghiên cứu, cảnh báo: “Chúng ta đang mất lớp băng tuyết. Phần lớn lượng băng này sẽ biến mất trong 100 năm tới”.
Dãy Hindu Kush Himalaya trải dài 3.500 km và đi qua nhiều quốc gia gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Pakistan.
Theo nghiên cứu, mức tăng nhiệt độ từ 1,5 cho đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khu vực này sẽ mất đi từ 30-50% lượng băng vào năm 2100.
Mặc dù vậy, mức độ tan chảy của băng cũng phụ thuộc vào địa điểm. Nếu nhiệt độ tăng thêm 3 độ C – mức mà thế giới có thể phải đối mặt nếu vẫn đi theo các chính sách khí hậu hiện tại – các sông băng ở vùng Đông Himalaya, bao gồm Nepal và Bhutan, sẽ mất tới 75% lượng băng của chúng. Nếu nhiệt độ tăng thêm 4 độ C, con số đó lên tới 80%.
Báo cáo nhận định, nguồn nước cung cấp cho 12 con sông trong khu vực dãy Himalaya – bao gồm những con sông lớn như Ganges, Indus, và Mekong – sẽ đạt đỉnh vào giữa thế kỷ này, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 1,6 tỷ người.
“Mặc dù mọi người nghĩ rằng băng tan có nghĩa là chúng ta sẽ được cung cấp nhiều nước hơn, đây chỉ là dấu hiệu cho thấy tình trạng ngập lụt sẽ tăng lên thay vì một dòng chảy ổn định”, ông Wester nói đồng thời cho biết, sau khi đạt đỉnh, nguồn nước sẽ dần biến mất.
Theo Reuters, các nhà khoa học đã gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến HKH. Không giống như dãy Alps ở châu Âu và dãy Rocky ở Bắc Mỹ, khu vực này thiếu ghi chép lâu dài về các đo đạc thực địa cho thấy các sông băng đang nở ra hay đang co lại.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Tri thức trực tuyến)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/day-himalaya-co-the-mat-toi-75-luong-bang-vao-cuoi-the-ky-nay-a613546.html