Trong quá trình tìm cách trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia công nghiệp và hiện đại, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển tham vọng trên, Chính phủ Việt Nam dự kiến cần duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm ở mức 7% trong suốt giai đoạn 2021-2030 và từ 6,5 đến 7,5% trong giai đoạn từ 2031-2050.
Tuy nhiên, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực ở mức 8% trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, do nhu cầu cả trong nước và nước ngoài giảm mạnh.
Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.
Trên đây là những nhận định trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất có tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 10/8.
Theo báo cáo này, Việt Nam cũng phải đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội của tất cả các thành phần kinh tế đạt bình quân từ 32-35% GDP trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, bao gồm đầu tư công ở mức bình quân 7,3% GDP mỗi năm để hỗ trợ xây dựng hạ tầng trong giai đoạn trên. Quan điểm này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia tăng trưởng cao có đặc trưng là đầu tư công cao, ở mức từ 7% GDP trở lên.
Mặc dù nhu cầu ngày càng lớn, nhưng tổng đầu tư công của Việt Nam đã giảm xuống trong thập kỷ qua. Từ năm 2011 đến năm 2022, tỉ lệ chi đầu tư công so với tổng chi ngân sách nhà nước và so với GDP đã giảm lần lượt từ 27% xuống 20% và từ 8% xuống 6%, WB cho biết.
Ngân hàng này nhận định, nền kinh tế vẫn tương đối thiếu vốn đầu tư, đầu tư công tính trên mỗi đầu người và trên mỗi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức ở các quốc gia thu nhập trung bình cao (UMIC) và quốc gia thu nhập cao (HIC). Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia tăng trưởng cao khi họ ở trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay.
WB cho rằng duy trì bền vững mức đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội và sản xuất, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư. Việt Nam còn dư địa tài khóa rộng – nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh đang ở mức 35,7% GDP vào năm 2022 so với ngưỡng nợ 60% do Quốc hội đề ra. Do đó, Việt Nam có thể chi đầu tư công nhiều hơn để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững.
WB cũng khuyến nghị, Việt Nam cũng cần chú trọng tăng hiệu quả, hiệu suất đầu tư công. Trong giai đoạn 2011–2019, nền kinh tế phải bỏ ra đến 6 đồng cho đầu tư mới tạo ra được thêm sản lượng bằng 1 đồng VND. Chính vì vậy, một USD đầu tư của Việt Nam tạo ra tăng trưởng thấp hơn so với Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan ở thời điểm họ có cùng mức thu nhập theo đầu người và cùng trình độ phát triển tương đương.
Theo ước tính (năm 2018) của IMF, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của Việt Nam có thể tăng thêm 23% nếu hiệu suất quản lý đầu tư công bằng với các quốc gia đi trước trên toàn cầu. Một nghiên cứu quốc tế cho thấy, tăng thêm 1% đầu tư công qua việc cải thiện về hiệu suất có thể nâng tốc độ tăng trưởng thêm 0,1-0,2% trong một vài năm sau.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dau-tu-cong-dong-luc-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-a621183.html