noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểmĐấu giá tài sản còn có biểu hiện thông đồng, móc nối...

    Đấu giá tài sản còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi

    Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, một số trường hợp có biểu hiện móc nối để trục lợi.

    Nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản

    Chiều 16/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

    Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn.

    Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn gặp khó khăn; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

    Bên cạnh đó, còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”.

    Nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và phạm vi quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả.

    Đối thoại - Đấu giá tài sản còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi

    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.

    Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

    Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số loại tài sản đấu giá cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản;

    Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản;

    Bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

    Đảm bảo tháo gỡ những bất cập hiện nay

    Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần xác định rõ quan hệ giữa luật hình thức và luật nội dung, làm rõ phạm vi quy định của luật này trong tương quan với các luật khác.

    Trong nền kinh tế hiện nay, bên cạnh những tài sản hữu hình, còn có những tài sản vô hình, loại tài sản này ngày một nhiều, có giá trị rất lớn.

    Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, loại tài sản này có thực hiện đấu giá hay không? Nếu có thì hình thức thực hiện đấu giá như thế nào? Cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản với các luật khác có liên quan, gồm Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý tài sản công, pháp luật về đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước…

    Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, việc sửa đổi luật có đảm bảo giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay hay không? Để luật Đấu giá tài sản bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới hiện nay, cần có sửa đổi cụ thể như thế nào?

    Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại một số nước, pháp luật có quy định về hình thức “đấu giá lên” và “đấu giá xuống”. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình lần này chỉ quy định về “đấu giá lên”, chưa bao hàm hình thức “đấu giá xuống”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do chưa có hình thức này.

    Đối thoại - Đấu giá tài sản còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi (Hình 2).

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

    Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhiều nội dung sửa đổi đề xuất trong dự thảo luật nằm ngoài 3 chính sách đã định.

    Do vậy, cơ quan soạn thảo cần thuyết minh rõ về các nội dung này, làm rõ các nội dung sửa đổi là để thực hiện chính sách nào, đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ.

    Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

    Do đó, đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.

    Trong dự thảo luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.

    Đề cập đến vấn đề khó khăn trong bán đấu giá tài sản thi hành án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo luật có những quy định đặc thù, trình tự thủ tục riêng để tháo gỡ vướng mắc trong bán tài sản thi hành án.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU