Khó tìm được người mua đất
Dù đang là những ngày cận Tết Nguyên đán và là thời điểm được xem là nhiều người sẽ đi săn lùng mua đất, tuy nhiên ở nhiều nơi. Đặc biệt, là khu vực vùng ven Tp.HCM các huyện ngoại thành nhiều người rao bán đất, nhưng không tìm được khách hàng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Thục Vy (ngụ Gò Vấp, Tp.HCM) cho biết: “Năm 2021 tôi mua khu đất hơn 300m2 tại huyện Củ Chi với giá hơn 3 tỷ đồng, tuy nhiên từ đầu năm do kẹt tiền nên muốn tìm khách bán lại, nhưng không có người mua. Vợ chồng tôi sợ để đất lâu sẽ bị lấn chiếm nên buộc phải bỏ thêm tiền xây hàng rào và trồng cây để giữ đất”.
Theo chị Vy, chị đã hoạt động trong lĩnh vực bất động sản được hơn 6 năm và mua rất nhiều dự án cũng như đất nền riêng lẻ.
Cứ vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán rất nhiều người sau khi nhận lương thưởng hoặc các dòng tiền đầu tư kinh doanh trong năm quay vòng sẽ sử dụng để tìm mua đất ở nhiều khu vực, nên thị trường luôn có thanh khoản.
Nhưng năm nay, đã qua đầu 2024 dương lịch và cận 2024 âm lịch vẫn không có rục rịch mua bán.
Hay trường hợp của anh Tuấn Học (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) chào bán mảnh đất diện tích hơn 80m2 (diện tích 5×17) tại phường An Phú, Tp.Thuận An, Bình Dương 3 tỷ đồng.
Có vài người vào hỏi nhưng ép giá vì biết anh Học đang cần tiền. Tuy nhiên, do đã mua với giá cao nên anh Học vẫn giữ lại và đến nay chưa tìm được khác hàng để bán ra.
Theo anh Nguyễn Xuân Phan (môi giới nhà đất) cho biết tình hình giao dịch, mua bán đất nền tại Tp.HCM và các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai đang khá trầm lắng.
Hầu như thị trường không có dự án nào mới của các doanh nghiệp. Đặc biệt các đất nền riêng lẻ của người dân cũng khó mua hơn vì giá ở thời điểm trước đã gần như “đu đỉnh”.
Anh Phan phân tích: “Giá đất nền thời gian trước ăn theo các thông tin quy hoạch, hạ tầng, các cơn sốt đất… nên đã thiết lập mặt bằng giá khá cao. Nhiều khu vực đất mua đi bán lại nhiều lần nên giá đã nhích theo từng đợt, hiện tại, thị trường trầm lắng khiến phân khúc này chững lại, không ồ ạt tăng giá. Tuy nhiên, đất nền vẫn đang neo ở mức giá khá cao, khó lòng giảm sâu. Một số khu vực giá đất nền có sụt giảm 15-20% nhưng rơi vào các trường hợp chủ đất cần tiền gấp và đây cũng là mức giá đã cao”.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại các khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, Tp.HCM giá đất tuỳ từng khu vực giao động ở mức giá từ 10 – 25 triệu/m2. Chủ yếu đất cây lâu năm, mục đích sử dụng riêng nhưng vẫn chưa tìm được khác hàng.
Hay tại khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, từng một thời giá đất sốt, môi giới luôn không có thời gian nghỉ ngơi vì phải chạy từ nơi này đến nơi kia để chào khách.
Đến nay khu vực trên cũng vắng người, các khu đất được rao bán đầy rẫy nhưng không có người trả giá.
Kỳ vọng vào đất nền vì là phân khúc bền vững
Thực tế, từ cuối 2022 đến hết năm 2023, thị trường bất động sản gặp muôn vàn khó khăn trước các yếu tố kiểm soát tín dụng, các vướng mắc về pháp lý, phát hành trái phiếu khó khăn…. đã khiến tâm lí nhà đầu tư e dè, ảnh hưởng bất lợi đến hầu hết các phân khúc, trong đó có đất nền.
Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch nhà ở, đất nền trong 6 tháng đầu năm 2023 rơi vào trầm lắng. Lượng giao dịch trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều có xu hướng giảm so với nửa cuối năm 2022.
Tại các tháng đầu năm 2023, cả nước không xảy ra tình trạng sốt đất nền. Theo đó, lượng giao dịch thứ cấp đất nền dự án tại Tp.HCM giảm 51,1%, tại tỉnh Bình Dương giảm 46,8%.
Hay tại báo cáo thị trường bất động sản quý III/2023, các chuyên gia của Batdongsan.com. vn đã chỉ ra rằng biểu đồ giá đất nền miền Nam có dấu hiệu đi xuống, từ cuối năm ngoái đến nay đã giảm 26,2%.
Trong khi đó, theo DKRA Group, bức tranh thị trường vẫn chưa nhiều khởi sắc khi một số phân khúc chủ đạo như đất nền vẫn đang sụt giảm nguồn cung và lượng tiêu thụ.
Cụ thể, đất nền tại Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh sụt giảm đáng kể nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giảm lần lượt là 58% và 94%.
Mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước.
Tại tỉnh Long An, đất nền có giá bán dao động 25,7 – 34,9 triệu đồng/m2. Đất nền tại tỉnh Tây Ninh có giá dao động 5,2 – 5,8 triệu đồng/m2.
Lượng giao dịch, thanh khoản thị trường chưa có nhiều khởi sắc trong tháng qua. Tỷ lệ tiêu thụ mới đất nền cũng chỉ ghi nhận 5 nền, giảm 94% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Group đánh giá các yếu tố về hạn chế quỹ đất sạch, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn mới, các rủi ro về vấn đề pháp lý… đã tác động rất lớn đến tình hình khan hiếm nguồn cung mới trong thời gian qua.
Ngoài ra, tâm lý e dè, ngại xuống tiền của nhà đầu tư cũng ảnh hưởng đến giá bán đất nền. Trong thời gian tới, kỳ vọng thị trường sẽ thay đổi vì các chính sách về bất động sản được áp dụng…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com. vn cho rằng, hiện nay nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay… nên khó khăn về dòng tiền, không thể đầu tư các khoản mới. Điều này đã ảnh hưởng đến phân khúc đất nền.
Tuy nhiên, về lâu dài, vị chuyên gia đánh giá phân khúc này dù đang ở thái trầm lắng nhưng vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng, bền vững khi tâm lý của người dân vẫn thường an tâm khi xuống tiền mua đất nền.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dat-nen-tphcm-va-cac-tinh-vung-ven-cham-nhip-giao-dich-tram-lang-a643669.html