noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngĐắk Lắk: Sản lượng xuất khẩu cà phê năm 2022 cao kỷ...

    Đắk Lắk: Sản lượng xuất khẩu cà phê năm 2022 cao kỷ lục

    Trong năm 2022, sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk đạt 380.000 tấn. Đây là năm tỉnh ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

    Ngày 2/1, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết sản lượng cà phê xuất khẩu của địa phương năm 2022 đạt 380.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt 798 triệu USD (chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

    Trong năm 2022, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là cà phê nhân và cà phê hòa tan. Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ cà phê 2021-2022 đạt 2.037 USD/tấn, tăng 363 USD/tấn so với niên vụ 2020-2021. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột… vẫn chưa xuất khẩu được nhiều.

    Tỉnh Đắk Lắk có 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, trong đó có 4 doanh nghiệp địa phương, 3 doanh nghiệp FDI và 1 chi nhánh của doanh nghiệp Tp. HCM đặt tại tỉnh. Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu cà phê với 106.404 tấn, đạt kim ngạch gần 220 triệu USD. Về thị trường xuất khẩu, cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến 64 thị trường, trong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất.

    Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động và còn những diễn biến phức tạp trên thế giới, cà phê vẫn là mặt hàng thiết yếu ở các nước phương Tây. Vì vậy, việc xuất khẩu cà phê của tỉnh được duy trì ổn định, có sự tăng trưởng khá về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

    Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra nhiều cơ hội hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cà phê của tỉnh. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, Liên minh châu Âu đã nới lỏng việc kiểm soát cà phê chế biến. Do đó, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đi sâu vào chế biến và sản xuất cà phê hòa tan, nâng cao sản lượng xuất khẩu cà phê chế biến.

    Về yếu tố thị trường, thời gian qua, có khoảng 3 tuần (cuối tháng 8 – đầu tháng 9/2022) giá cà phê tăng vọt, có ngày đạt 50.200 đồng/kg cà phê nhân nên các doanh nghiệp tranh thủ bán ra, từ đó góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng.

    Năm 2023, để gia tăng kim ngạch và sản lượng xuất khẩu cà phê, ngành Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục cập nhật thông tin thường xuyên từ hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu của các quốc gia nhằm chuyển tải đến doanh nghiệp. Đồng thời tích cực chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển thêm các thị trường mới; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên giải ngân cũng như có chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến nghị các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng cà phê để thâm nhập vào chuỗi cung ứng thế giới; xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các tình huống gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như ách tắc trong vận tải hàng hóa.

    M.H (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU