Chiều 19/9, ông Trương Công Thiện – Chủ tịch UBND xã Ea Kpam (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn xã vừa xuất hiện một số đối tượng lạ mặt sử dụng kích điện để bắt giun đất ở vườn rẫy của người dân.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 11h ngày 16/9, người dân trên địa bàn xã Ea Kpam phát hiện 3 đối tượng đang dùng kích điện để bắt giun ở vườn cao su (thuộc địa bàn thôn 6, xã Ea Kpam). Ngay sau đó, người dân đã nhanh chóng báo cáo với cơ quan chức năng vào cuộc.
Nhận được tin báo, lãnh đạo UBND xã Ea Kpam đã chỉ đạo lực lượng Công an xã đến hiện trường làm việc với 3 đối tượng nói trên. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu được 5kg giun tươi và 1 bộ xung kích điện. Ngoài ra, còn có thêm 6 cuộn dây điện, mỗi cuộn dài 20m.
Làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng nói trên khai, đều trú tại xã Ea Hđing (huyện Cư ‘gar) đến địa bàn xã Ea Kpam bắt giun đất về để nuôi gà.
Ngay sau đó, Công an xã Ea Kpam đã lập biên bản, tạm giữ các tang vật có liên quan và chuyển cho Công an huyện Cư M’gar tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. “Theo quy định pháp luật hiện nay, việc bắt giun chưa có chế tài để xử lý. Do đó, chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền, vận động người dân không được bắt giun để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học”, lãnh đạo UBND xã Ea Kpam cho hay.
Theo Công an xã Ea Kpam, hoạt động săn bắt giun bằng phương pháp kích điện đã trở thành nỗi lo lắng của người dân nhiều địa phương, nhất là những vùng trồng cây nông nghiệp, cây ăn trái. Việc dùng kích điện để bắt giun điều này khiến cho đất không còn tơi xốp, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.
Bên cạnh đó, việc bắt giun bằng kích điện sẽ làm hủy diệt các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự đa dạng sinh học làm giảm chất lượng đất canh tác, giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến môi trường và vật nuôi. Giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng…
Chính vì thế, Công an xã Ea Kpam khuyến cáo, người dân không nên bắt giun để bán kiếm thu nhập. Giá trị kinh tế từ việc làm này không thể bù đắp được cho hệ quả những thửa đất nông nghiệp trở nên nghèo nàn chất dinh dưỡng, không thể canh tác cây trồng, gây thiệt hại nặng cho người nông dân.
Trước đó, ngày 15/9, UBND huyện Cư Mgar đã có văn bản gửi UBND các xã, thị trấn về việc phòng ngừa hoạt động sử dụng máy kích điện để bắt giun đất.
Theo nội dung văn bản, thời gian gần đây, tại các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang…. nổi lên tình trạng người dân sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, bán cho các thương lái. Thực trạng này làm giảm chất lượng đất canh tác, phá vỡ đa dạng sinh học, sự phì nhiêu của đất, thậm chí nguy cơ gây tai nạn (điện giật), đe dọa tính mạng cho người và động vật.
UBND huyện Cư Mgar cũng thông tin, tại một số địa phương, sau khi người dân kích điện bắt giun đất, cây trồng bị ảnh hưởng bộ rễ, vàng lá và chết, năng suất suy giảm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng này. Nguyên nhân do chưa có chế tài xử lý…
Trước tình hình trên, UBND Cư Mgar yêu cầu UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tại địa phương tổ chức nắm tình hình người dân dùng kích điện và các biện pháp khác để bắt giun đất và hoạt động mua, bán, chế biến giun đất trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, thống kê danh sách các đầu mối thu mua giun đất và các lò sấy giun đất tại địa phương (nếu có) để có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, tham mưu xử lý các lò sấy gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Tổ chức phát động quần chúng nâng cao ý thức cho người dân về sự nguy hại của hành vi sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, kịp thời báo cáo, tham mưu cho cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Khánh Ngọc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-bat-qua-tang-3-doi-tuong-dung-kich-dien-de-bat-giun-dat-a627195.html