Sáng 21/7, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, thông báo Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết qua đời sáng 20/7.
Nguyễn Quang Thiều viết: “Nhà văn Nguyễn Trần Thiết là người tôi nghĩ chỉ có hai hành động chính trong suốt cuộc đời mình. Một là ngước mắt lên để nhìn cuộc sống, hai là cúi xuống để viết. Ông không chỉ là một nhà văn mà ông là một người chép sử. Trong văn của ông chứa đựng sự thật nhiều sự kiện quan trọng của đất nước mà ông tham dự và nhiều nhân vật đặc biệt của lịch sử mà ông tiếp xúc”.
Nhà văn Nguyễn Trần Thiết được đánh giá là người dành cả đời cho sự nghiệp viết, ngòi bút của ông có mặt trên nhiều mặt trận, trong công tác phóng viên tại báo Quân đội nhân dân đến các tiểu thuyết, áng văn đời thường giàu giá trị cho đến hiện tại.
Ông là sĩ quan quân đội từ năm 1949 và về hưu năm 1989. Nhập ngũ với tư cách lính Cụ Hồ, ông trực tiếp tham gia vào công cuộc chống giặc. Trong những năm tháng vào sinh ra tử, ông trải qua nhiều vị trí từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng đến đại đội trưởng.
Sau này, với năng khiếu viết lách và sở hữu ngòi bút sắc bén, Nguyễn Trần Thiết được điều về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân. Ông đeo hàm đại tá, nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Chứng kiến những cuộc chiến lịch sử của dân tộc, qua lăng kính của một người mê làm, đi và viết, nhà văn Nguyễn Trần Thiết có cho mình một kho tàng tư liệu mà không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có.
Những dấu ấn lịch sử như Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 – Nam Lào (1971), trong Phái đoàn Liên hợp quân sự 4 bên, hai lần ở trại Davis (1973 và 1975), trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng ngày 30/4/1975 đều có sự tham gia của ông.
Nhà văn Nguyễn Trần Thiết cũng là người đầu tiên hỏi cung Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu…
Trong sự nghiệp 60 năm viết văn, làm báo, ông sở hữu hơn 97 đầu sách được in. Các tác phẩm của ông giàu giá trị hiện thực về một thời vẻ vang nhưng cũng lắm thương đau của đất nước. Ông là một trong những người có nhiều tác phẩm báo chí, văn học viết về Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể đến như: Chiến công thầm lặng, Gia đình biệt động, Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z, Viên chuẩn tướng, Mặt trận không tiếng súng, Truy tìm ổ quỷ, Hành trình đồng đô la, Theo bước chân thần tốc, Cơn lốc Trường Sơn, Dương Văn Minh – tổng thống cuối cùng…
Tác phẩm nổi bật của ông là tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ được đạo diễn NSƯT Bùi Cường dựng thành phim, đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc.
Tiểu thuyết thứ 93 Dương Văn Minh – tổng thống cuối của nhà văn Nguyễn Trần Thiết cũng được giới thiệu ra quốc tế, có mặt tại Anh, Mỹ, Pháp, tái bản nhiều lần và đang được dựng phim với quy mô lớn, thời lượng hơn trăm tập.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dai-ta-nha-van-nguyen-tran-thiet-qua-doi-a618240.html