Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự, phát lệnh khởi công dự án quan trọng này. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Khu vực Cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố. Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Tp.Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Tp.Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan chú ý một số vấn đề.
Thứ nhất, công trình gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025.
Thứ hai, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới.
Thứ ba, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.
Thứ tư, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.
Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.
Thứ 6, hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả càng cao và ngược lại. Do đó phải thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với Cảng.
Thứ 7, cảng Tp.Đà Nẵng có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có đặt tên là Cảng Đà Nẵng hay không, việc này Thành phố xem xét nghiên cứu.
Đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng phát biểu, việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng Tp.Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics, là thành phố cảng biển theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.
Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Tp.Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Tp.Đà Nẵng và trong khu vực; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Tp.Đà Nẵng chia sẻ, Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu Tp.Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng. Dự án bao gồm xây dựng Kè chắn sóng và đê chắn song chiều dài khoảng 1.170m thuộc công trình giao thông cấp đặc biệt. Luồng tàu và khu nước luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải thuộc công trình giao thông cấp I.
Đường giao thông kết nối đến cổng cảng, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30m; và hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.
Đơn vị thực hiện dự án là Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO – Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang trúng thầu thi công với thời gian thực hiện hợp đồng là 1.380 ngày (gồm 1.080 ngày thực hiện và 300 ngày hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến hợp đồng).
“Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Tp.Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch. Hiện nay, cảng Liên Chiểu là 1 trong 7 dự án động lực Tp.Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư trong thời gian đến và đã có một số doanh nghiệp lớn được UBND Thành phố trao chứng nhận cho phép nghiên cứu đầu tư dự án Cảng biển Liên Chiểu. Sau khi hoàn thành Cảng Liên Chiểu sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Tp.Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đất nước”, ông Hưng nói.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-khoi-cong-du-an-cang-lien-chieu-phan-co-so-ha-tang-a585614.html