Văn bản nêu rõ, thời gian quan đơn vị đã nhận được các thông tin phản ánh liên quan đến công tác tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại một số dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giao dịch nhà ở, kinh doanh dịch vụ bất động sản và quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm trong công tác xác nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội của các cá nhân thường trú, tạm trú trên địa bàn.
Đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đề nghị tăng cường trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội theo đúng trình tự, thủ tục được quy định. Kiên quyết trả hồ sơ đối với trường hợp không đảm bảo đối tượng, điều kiện, thành phần hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội theo quy định.
Sở Xây dựng Đà Nẵng nhấn mạnh đến yêu cầu, trong trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản không đúng quy định thì chuyển thông tin đến UBND các quận, huyện để xem xét, xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, làm giả con dấu, chữ ký, tài liệu và các hành vi có dấu hiệu vi phạm hành sự, đề nghị chuyển thông tin đến cơ quan công an để xem xét, xử lý theo quy định.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần phải công bố công khai thông tin dự án, tiến độ dự án, số lượng căn hộ, diện tích căn hộ, giá bán, cho thuê từng căn hộ; đối tượng, điều kiện được thuê, mua; nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt … để người dân có nhu cầu được tiếp cận thông tin.
Đồng thời thường xuyên kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội tại dự án. Nếu phát hiện vi phạm, đề nghị chuyển thông tin đến UBND các quận, huyện để xem xét, xử lý vi phạm hành chính theo quy định…
Theo báo cáo, đến hết tháng 5/2023, Đà Nẵng đã hoàn thành 15.213 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách đã đầu tư hoàn thành 39 dự án chung cư với 10.579 căn hộ và 2 dự án ký túc xá sinh viên tập trung với 1.146 phòng, với tổng vốn đầu tư lũy kế đến nay hơn 3.500 tỷ đồng.
Hiện nay, thành phố đang thực hiện thủ tục chuyển đổi công năng 2 dự án ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội cho công nhân với 728 căn hộ và đang triển khai 1 dự án với 209 căn hộ.
Nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn ngân sách ưu tiên bố trí cho thuê đối với người có công với cách mạng; hộ giải tỏa; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; hộ nghèo; học sinh, sinh viên và công nhân khu công nghiệp.
Từ 2009, thành phố đã triển khai kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách, đến nay, đã triển khai 9 dự án với 7.511 căn hộ, trong đó đã hoàn thành 4.634 căn hộ, đang xây dựng 2.877 căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai kêu gọi đầu tư 4 dự án với khoảng 3.500 căn hộ.
Nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách giải quyết bán, cho thuê đối với các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014.
Ngoài ra, thành phố đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn địa điểm để triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn, gồm nhà ở và các thiết chế văn hóa, thể thao, phục vụ công nhân tại khu vực quận Liên Chiểu.
Tuệ Minh
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-chan-chinh-xet-duyet-ho-so-dang-ky-thue-mua-nha-o-xa-hoi-a622989.html