Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý về mặt nguyên tắc về cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 sắp diễn ra tại San Francisco, Mỹ.
Ngay từ lúc này, công tác chuẩn bị cho cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Trung được mong đợi nhất đang được gấp rút hoàn tất. Nhưng các nhà phân tích cho biết họ không mong đợi bất kỳ đột phá nào mà cuộc gặp có thể mang lại khi nói đến những vấn đề tồn tại lâu dài giữa hai bên.
Mối quan hệ giữa 2 cường quốc thế giới đã xuống mức thấp mới hồi đầu năm nay sau khi Quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc và hầu như tất cả các kênh liên lạc đều bị cắt đứt. Mối quan hệ đã được cải thiện kể từ đó, một phần nhờ một loạt chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Bắc Kinh và các nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề công nghệ và kinh tế.
Hồi đầu tuần, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ông Biden dự kiến sẽ có một “cuộc trò chuyện khó khăn… nhưng quan trọng” với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Phía Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận sự tham dự của ông Tập. Còn xác nhận của phía Mỹ được đưa ra sau các cuộc đàm phán tuần trước giữa nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức chủ chốt ở Washington bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan. Hai bên đã đồng ý “nỗ lực chung để đạt được một cuộc gặp” giữa hai Nguyên thủ Quốc gia.
Nhưng theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương cảnh báo rằng “con đường dẫn tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco sẽ không bằng phẳng” và và không thể để nó ở chế độ “lái tự động”.
Thể hiện mong muốn đối thoại thêm
Các nhà quan sát ngoại giao phần lớn đang giữ kỳ vọng ở mức thấp về những gì cuộc gặp – cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo trong một năm qua – thực sự có thể đạt được.
“Tôi không mong đợi một bước đột phá lớn. Tôi không mong đợi một sự tan băng lớn”, ông Chong Ja Ian, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Ông Chong cho biết, ông chỉ mong đợi 2 bên sẽ cố gắng hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau đồng thời thể hiện mong muốn đối thoại thêm “để giải quyết xung đột và giảm thiểu rủi ro”.
Một loạt vấn đề có thể được đưa ra bàn thảo khi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau, ông David Arase, giáo sư về chính trị quốc tế tại Trung tâm Hopkins-Nam Kinh, cho biết.
Trong số đó, ông Arase kỳ vọng rằng 2 bên sẽ kêu gọi thả con tin và cứu trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza, đồng ý nỗ lực giảm căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và cũng có khả năng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực “phi chiến lược” như biến đổi khí hậu.
Đây là những chủ đề mà Ngoại trưởng Vương Nghị đã nêu ra với các quan chức Mỹ vào tuần trước khi họ trao đổi quan điểm về cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và cuộc chiến ở Ukraine.
Đối với cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden, ông Arase kỳ vọng Washington sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh để gây áp lực với Nga, Triều Tiên và Iran – những quốc gia đang thách thức lợi ích của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể sẽ yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc.
Nhưng theo ông Arase, những nỗ lực của 2 nhà lãnh đạo có thể sẽ chỉ mang lại “ít kết quả”. Sẽ không có bất kỳ kết quả lớn nào, “nhưng nó có thể mở lại các dòng thảo luận và tham vấn thường xuyên nhằm ngăn chặn sự suy giảm đáng lo ngại và sự thù địch ngày càng gia tăng trong quan hệ song phương”, ông nói.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden sẽ truyền tải một thông điệp tới thế giới rằng Mỹ và Trung Quốc đang hành động có trách nhiệm để giải quyết một cách hòa bình những khác biệt của họ, vị chuyên gia nhận định.
Tín hiệu tốt cho phần còn lại của thế giới
Ông Alfred Wu, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết các chủ đề mà ông Tập và ông Biden sẽ thảo luận tùy thuộc vào thời gian phân bổ cho Hội nghị Thượng đỉnh.
Nếu các nhà lãnh đạo có nhiều thời gian hơn, ông Wu mong đợi một cuộc thảo luận kỹ lưỡng hơn về các vấn đề gây khó khăn cho quan hệ song phương. Nếu không, họ có thể phải vạch ra “phương hướng chung để quản lý các mối quan hệ, mở các kênh liên lạc và không làm tình hình trở nên tồi tệ hơn”, ông Wu nói.
Khi ông Tập và ông Biden gặp nhau lần cuối – bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái – họ đã nói chuyện suốt 3 giờ về các chủ đề từ Đài Loan đến Triều Tiên.
Ông Wu cho biết, “các điểm cộm” bao gồm Biển Đông và Đài Loan có thể được đề cập tới nhưng không bên nào kỳ vọng rằng những vấn đề tồn tại lâu dài này sẽ được giải quyết. Cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ chỉ được coi như một kênh để song phương trò chuyện trong khi “cố gắng tránh kịch bản xấu nhất là chiến tranh”.
Tuy nhiên, ông Wu cho rằng cuộc gặp sẽ giúp ích cho cả 2 nhà lãnh đạo về mặt đối nội. Đối với ông Biden, Hội nghị Thượng đỉnh sẽ báo hiệu rằng ông có khả năng liên lạc với Trung Quốc. Và đối với ông Tập, nó sẽ thể hiện Trung Quốc “được đối xử bình đẳng” với Mỹ và là nước lãnh đạo thế giới.
Ông Wang Huiyao, người sáng lập tổ chức tư vấn Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden sẽ “rất có ý nghĩa” – đặc biệt là đối với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo trong khu vực từ lâu đã kêu gọi mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định hơn và bày tỏ lo ngại về việc phải chọn phe nào trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa 2 siêu cường.
“Chỉ một bức ảnh 2 nhà lãnh đạo bắt tay nhau sẽ gửi một tín hiệu lớn tới thế giới bên ngoài”, ông Wang cho biết, cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh này đã bị trì hoãn quá lâu.
“Cuộc hội đàm sẽ mang lại kết quả tốt cho các khu vực khác. Nó đáp ứng được sự mong đợi của thế giới”, ông Wang nói. “Thế giới cần sự ổn định và khi lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất gặp nhau, điều đó sẽ ổn định nền kinh tế thế giới và tạo ra những tín hiệu tốt cho phần còn lại của thế giới”.
Minh Đức (Theo SCMP, Bloomberg)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-gap-giua-ong-tap-va-ong-biden-lieu-co-chung-kien-dot-pha-a634022.html