Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã bắt đầu chuyến thăm hiếm hoi tới Washington, bày tỏ hy vọng chấm dứt tình trạng bất ổn gần đây giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyến thăm có thể giúp ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung bằng cách tạo điều kiện cho Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11.
Xuất hiện trước truyền thông cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26/10 trước khi bắt đầu cuộc họp kín, ông Vương đã kêu gọi đối thoại để khôi phục mối quan hệ “lành mạnh” với Mỹ.
Đứng cạnh người đồng cấp Mỹ, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho biết 2 nước có những bất đồng, khác biệt, nhưng đồng thời cũng chia sẻ những lợi ích chung quan trọng và những thách thức mà 2 bên cần cùng nhau giải quyết.
“Vì vậy, Trung Quốc và Mỹ cần phải đối thoại. Chúng ta không chỉ nên nối lại đối thoại mà còn phải đối thoại có chiều sâu và toàn diện để 2 bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm hiểu lầm và phán đoán sai lầm, không ngừng tìm cách mở rộng điểm chung và theo đuổi sự hợp tác có lợi cho cả 2 bên”, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Vương nói.
Ngoại trưởng Vương cũng cho biết, đối thoại sẽ mở rộng hợp tác và đưa quan hệ song phương trở lại “con đường phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững”. Đáp lại, ông Blinken nói: “Tôi đồng ý với những gì Ngoại trưởng Trung Quốc nói”.
Sẽ có những cuộc đàm phán chính thức hơn và một bữa tối dự kiến diễn ra vào cuối ngày 26/10 (giờ địa phương) giữa ông Vương và ông Blinken. Vào ngày 27/10, ông Vương sẽ hội đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tại Nhà Trắng.
Mặc dù chưa có thông tin chính thức về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Biden, nhưng cuộc gặp này là khả thi sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Blinken ở Bắc Kinh hồi tháng 6.
Mỹ đang hy vọng điều gì?
Trước khi ông Vương đến, các quan chức Mỹ cho biết họ sẽ nhấn mạnh với Ngoại trưởng Trung Quốc về tầm quan trọng của việc Bắc Kinh nâng cao vai trò của mình trên trường thế giới nếu nước này muốn được coi là một người chơi quốc tế lớn có trách nhiệm.
Các quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể với Iran, nước ủng hộ chính cho Hamas. “Trung Quốc nên sử dụng bất kỳ khả năng nào mình có như một cường quốc có ảnh hưởng để thúc đẩy bình tĩnh” ở Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết.
Các nhà phân tích chính sách ở Trung Quốc và Mỹ cho rằng cả 2 bên có chung lợi ích trong việc ngăn chặn một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông và rằng Trung Quốc, với tư cách là một nước mua dầu lớn, có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến Iran.
“Người Trung Quốc chắc chắn có lợi ích trong việc ngăn chặn một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran, vì họ là những nước tiêu thụ dầu lớn và điều đó sẽ khiến giá tăng vọt”, ông Jon Alterman, người đứng đầu chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC, cho biết.
“Tuy nhiên, người Trung Quốc khó có thể thực hiện bất kỳ động thái nặng nề nào ở đây. Tôi cho rằng họ sẽ muốn có một chỗ ngồi tại bàn đàm phán khi cuộc xung đột Israel-Hamas được giải quyết”, ông Alterman nhận định.
Ông Shi Yinhong, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên Iran “gần như là kỳ vọng nghiêm túc và thực tế duy nhất của Mỹ đối với Trung Quốc về tình hình Trung Đông”.
Tuy nhiên, Giáo sư Shi nói thêm: “Lập trường của Mỹ đối với Iran không được Trung Quốc chấp nhận và ngược lại. Sự thỏa hiệp lẫn nhau về vấn đề này có thể quá hạn chế và nhỏ bé đến mức không có ý nghĩa gì”.
Mỹ cũng hy vọng chuyến thăm Washington của ông Vương sẽ là chuyến đi “tiền trạm” mở đường cho cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và ông Tập khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 vào tháng 11 tại San Francisco.
Một loạt các vấn đề bất đồng
Lần cuối cùng Chủ tịch Trung Quốc đến Mỹ là vào năm 2017, khi cựu Tổng thống Donald Trump tiếp đón ông tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Ông Biden, người tiếp quản Nhà Trắng vào năm 2021, vẫn chưa tiếp đón ông Tập trên đất Mỹ.
Cả 2 bên đều chưa xác nhận liệu 2 nhà lãnh đạo có gặp nhau nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC hay không, nhưng nếu nó diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden và ông Tập kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.
“Các cuộc gặp của ông Vương ở Washington sẽ vạch ra những chủ đề mà 2 nhà lãnh đạo sẽ thảo luận khi họ gặp nhau vào tháng tới”, ông Ryan Hass, giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, cho biết.
Bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn khác ở Washington DC, cho biết chuyến đi của ông Vương báo hiệu rằng Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden là gần như chắc chắn.
“Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh APEC, nên thời gian là điều cốt yếu. Chuyến đi của ông Vương có nghĩa là ông Tập sẽ đến. Ông Tập đến có nghĩa là sẽ gặp ông Biden. Hội nghị Thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo có nghĩa là nỗ lực ổn định quan hệ song phương”.
Mối quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu trở nên căng thẳng vào năm 2018 khi chính quyền Trump áp đặt mức thuế nặng nề đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc. Mối quan hệ song phương ngày càng trở nên tồi tệ hơn do một loạt các vấn đề, từ các vấn đề xoay quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc), vấn đề biển đông, cho tới công nghệ, đầu tư và đại dịch Covid-19.
Đảo Đài Loan vẫn là vấn đề “cộm” nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Chính quyền Biden đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất.
Washington cũng đã thắt chặt hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc và ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân Trung Quốc với cáo buộc ủng hộ chương trình máy bay không người lái của Iran và sản xuất hóa chất tạo ra fentanyl, một loại thuốc giảm đau gây nghiện mạnh hơn heroin 50 lần và mạnh hơn morphine 100 lần.
Nhằm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, ông Biden cũng đã thành lập một liên minh quân sự 3 bên mới với Australia và Vương quốc Anh, được gọi là AUKUS, đồng thời thúc đẩy một nhóm không chính thức gọi là “Bộ tứ” (Quad) với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Minh Đức (Theo AP, DW, Reuters, Xinhua)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-gap-giua-ong-biden-va-ong-tap-can-binh-da-o-trong-tam-mat-a633038.html