Nhiều “điểm sáng” của thị trường bất động sản phía Nam
Nhiều năm nay, lĩnh vực bất động sản (BĐS) khu vực phía Nam luôn là điểm đến lý tưởng của hàng loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút vốn đáng kể.
Ngoài lĩnh vực bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê… thì bất động sản công nghiệp cũng là một trong những phân khúc có sự tăng trưởng lớn.
Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường BĐS Việt Nam nửa đầu năm 2023 với tỷ lệ hấp thụ ghi nhận khả quan ở cả đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn (RBF và RBW) cả miền Bắc và miền Nam.
Theo báo cáo của CBRE (một công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ), đối với thị trường đất công nghiệp, diện tích hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2023 của các thị trường cấp 1 miền Bắc và miền Nam lần lượt đạt 386ha và 397ha. Do quỹ đất công nghiệp sẵn sàng để bàn giao rất hạn chế ở cả 2 miền, trong khi nguồn cầu dồi dào, giá thuê đất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh.
Theo ghi nhận, tại các tỉnh phái Nam nhiều tỉnh thành đang tập trung quỹ đất, chuẩn bị hàng loạt các thủ tục pháp lý để sớm đưa nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động sau các đợt thu hút đầu tư.
Là một trong những thành phố đi đầu trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư FDI đổ vào Tp.HCM đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Tp.HCM tiếp tục duy trì vị trí trong top 10 địa phương được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá có triển vọng tốt về môi trường đầu tư.
Còn tại tỉnh Bình Dương, Cục Thống kê Bình Dương công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Dương thu hút được 943,3 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, có 37 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, tăng 23,3% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 343,4 triệu USD.
Cùng với dự án cấp mới, có 19 dự án điều chỉnh vốn, tăng 58,3% so với cùng kỳ, với tổng vốn điều chỉnh là 55 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Số dự án góp vốn, mua cổ phần là 67 dự án, giảm 18,3% so với cùng kỳ, với tổng vốn 544,9 triệu USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Tập đoàn LEGO đang xây dựng nhà máy hơn 1,3 tỷ USD tại KCN VSIP III, là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất tại tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch, LEGO sẽ tuyển dụng khối văn phòng và chuẩn bị cho quá trình điều hành nhà máy trong quý III và quý IV/2023 và việc tuyển dụng công nhân sẽ bắt đầu từ năm 2024.
Một trong những địa phương đang thu hút đầu tư mạnh khác là tỉnh Long An. Từ đầu năm đến nay, Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án với vốn đăng ký 408,5 triệu USD và điều chỉnh vốn cho 35 dự án, với vốn đầu tư tăng 64,29 triệu USD.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết: “Nhu cầu thị trường BĐS công nghiệp phía Nam rất đa dạng. Khách thuê thuộc các ngành sản xuất ô tô, may mặc và bao bì nằm trong số những nhóm ngành tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, kho và xưởng xây sẵn ở miền Nam. Việc này sẽ thu hút rất nhiều nguồn vốn đổ vào để phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Phát triển hạ tầng, công nghiệp xanh, sinh thái làm tiền đề
Hiện nay, các tỉnh phát triển mạnh công nghiệp ở phía Nam như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… không chỉ tập trung thu hút nguồn vốn FDI, mà còn xây dựng chiến lược phát triển quỹ đất lớn, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng sinh thái.
Đại diện VSIP Group (liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và Sembcorp Development Singapore) cho biết, ngay từ khi xây dựng KCN đầu tiên tại tỉnh Bình Dương, đơn vị này đã hướng đến KCN xanh, gần gũi và hướng đến môi trường sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như công việc làm tốt nhất cho công nhân lao động.
VSIP Group hiện đang phát triển 17 khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ trên khắp Việt Nam. Hiện, tổng quỹ đất của Tập đoàn VSIP đã tăng lên trên 11.000 ha, VSIP đang cung cấp hạ tầng sản xuất cho 880 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 18,7 tỷ đô-la Mỹ và tạo việc làm cho gần 300.000 người làm việc trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.
Tại tỉnh Bình Dương, hàng loạt các dự án khu công nghiệp đang được tỉnh này chú trọng đầu tư mở rộng. Như KCN Sóng Thần 1, 2, 3, KCN Kim Huy, KCN Đại Đăng… Trong đó, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái (EIP) được tỉnh Bình Dương chú trọng.
Giữa tháng 6/2023, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển của Khu công nghiệp sinh thái (EIP) tại Bình Dương. Theo đó, sự phát triển của EIP ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiết kiệm chi phí.
Bằng cách thiết lập EIP được quốc tế công nhận, tỉnh Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và FDI hàng đầu. Ngoài ra, việc triển khai EIP giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện xếp hạng khử cacbon và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư và KCN.
Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC tại Bình Dương, Becamex IDC đã triển khai nhiều chiến lược đột phá, tiêu biểu như: từ thí điểm dịch vụ hành chính một cửa đầu tiên của Việt Nam tại KCN Việt Nam Singapore (VSIP), đến phát triển hệ thống BOT giao thông đầu tiên trên Quốc lộ 13, cũng như sáng tạo mô hình phát triển KCN tích hợp đô thị, dịch vụ kiểu mẫu.
Ông Thuận cũng cho biết, việc nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn… giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Becamex đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh giúp điều phối, giám sát công tác vận hành tốt hơn; đồng thời bổ sung cảnh quan tự nhiên, cây xanh, áp dụng các tiêu chuẩn ISO, quy chế, KPI vận hành để giúp KCN ngày một xanh – sạch – đẹp hơn.
Bên cạnh đó, đối với KCN mới, nhiệm vụ quy hoạch, tính toán ngay từ đầu các giải pháp quản lý thông minh, các tiêu chí KCN sinh thái cũng sẽ được xem xét cụ thể. Điều này góp phần thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường, làm tiền đề cho KCN khoa học công nghệ trong tương lai.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương thông tin, Bình Dương định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh – sinh thái. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, tỉnh này sẽ thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
“Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo các yếu tố môi trường bền vững và đóng góp vào thúc đẩy phát triển các KCN, đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái”, ông Mai Hùng Dũng chia sẻ.
Xu thế trong tương lai
Theo một số doanh nghiệp FDI, việc tỉnh Bình Dương đi đầu trong việc phát triển EIP và các tỉnh phía Nam Việt Nam tập trung KCN theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường ngày càng đáp ứng được nhu cầu và xu thế thị trường. Điều này tất yếu sẽ thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vì một môi trường hấp dẫn, kiểu mẫu trong tương lai.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-duathu-hutnguon-von-fdiva-diem-sang-cua-bat-dongsan-phia-nam-a631231.html