Tính đến ngày 14/10, lượng dầu diesel dự trữ của Mỹ chỉ đủ đáp ứng cho 25,4 ngày, thấp nhất kể từ năm 2008, theo một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Lượng dầu diesel và các loại nhiên liệu chưng cất khác (bao gồm nhiên liệu máy bay và dầu sưởi) trong các kho dự trữ Mỹ chỉ ở mức 106 triệu thùng tính đến ngày 21/10, mức thấp nhất trong năm kể từ khi EIA bắt đầu thu thập dữ liệu hàng tuần vào năm 1982.
Lượng sản phẩm chưng cất tồn kho ở mức 26 triệu thùng, thấp hơn mức trung bình theo mùa so với 10 năm trước, theo EIA.
Tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng hơn, vì lượng dầu diesel tồn kho hiện thấp hơn 15 triệu thùng so với mức trung bình 10 năm.
Vào cuối tháng 7, lượng diesel dự trữ đã giảm xuống 113 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1996 và trước đó vào năm 1954. Con số này chỉ đáp ứng đủ nhu cầu 30 ngày, mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 1945.
Bài toán cung – cầu
Tình trạng thiếu hụt dầu diesel ở Mỹ trong năm nay được cho là do 4 yếu tố, nhưng chủ yếu xoay quanh vấn đề cung – cầu.
Đầu tiên, nhu cầu dầu chưng cất thường tăng đột biến vào mùa xuân – khi nông dân bắt đầu mùa trồng trọt – và mùa thu – khi nông dân bắt đầu gặt hái, và khi mọi người bắt đầu mua dầu sưởi cho mùa đông.
Thứ hai, nhu cầu nước ngoài cũng tăng mạnh. Sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, các nước phương Tây đã quay lưng với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga và chuyển hướng sang Mỹ. Do đó, việc xuất khẩu dầu diesel của Mỹ đang ở mức cao bất thường.
Thứ ba, công suất của các nhà máy lọc dầu ở Mỹ giảm sút trong thời gian qua vì đây là thời điểm các nhà máy lọc dầu tiến hành bảo dưỡng. Một số nhà máy cũng lao đao vì thiếu nguyên liệu đầu vào sau khi Nga giảm xuất khẩu dầu sang Mỹ, tập trung vào thị trường châu Á ngay sau chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ngoài ra, một số nhà máy lọc dầu đã phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động thua lỗ do đại dịch kéo dài, dẫn đến công suất lọc dầu ở Mỹ sụt giảm trong vài năm qua.
Nguy cơ lạm phát
“Diesel là nhiên liệu của nền kinh tế, nó được sử dụng cho tất cả mọi thứ. Nếu không có diesel, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ, và mọi thứ đơn giản là sẽ không hoạt động được”, theo bà Chunzi Xu, phóng viên hãng thông tấn Bloomberg.
Các nhà phân tích cho biết, giá dầu diesel từng thấp hơn giá xăng, nhưng điều này đã thay đổi trong những năm qua, và mức chênh lệch giữa hai sản phẩm này ngày càng tăng, đặc biệt là trong mùa đông năm nay, vì giá dầu diesel dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong khi giá xăng trung bình ở Mỹ đã giảm khoảng 24% so với mức kỷ lục hồi tháng 6 xuống dưới 4 USD/gallon, thì giá dầu diesel đã tăng lên trên 5 USD/gallon.
Cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu diesel sẽ khiến giá cả tăng lên từ 5-7 USD/gallon, theo ông Tom Kloza, Trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu tại Công ty phân tích thị trường dầu mỏ OPIS.
“Giá dầu diesel không phải là thứ thu hút sự chú ý của công chúng như giá xăng. Hầu hết mọi người không trực tiếp sử dụng dầu diesel nên họ không mấy để tâm. Tuy nhiên, nó là thứ xâm nhập vào mọi ngóc ngách của lạm phát bởi vì mọi phương tiện vận chuyển, dù chạy bằng đường thủy, đường ray hay đường bộ đều cần đến diesel”, ông Kloza cho biết.
Nếu giá dầu diesel tăng cao, giá của tất cả các sản phẩm trong chuỗi cung ứng như thực phẩm, đồ gia dụng, v.v cũng sẽ tăng theo, dẫn đến lạm phát. Áp lực sẽ càng đè nặng lên đời sống người dân.
Khó giảm xuất khẩu
Việc tái cân bằng nguồn cung dầu diesel đòi hỏi Mỹ và các nền kinh tế lớn khác phải tăng lãi suất và thắt chặt các điều kiện tài chính để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xuống mức bền vững hơn.
Theo bà Chunzi Xu, Mỹ có thể giải phóng một triệu thùng diesel từ nguồn dự trữ khẩn cấp ở phía Đông Bắc để hỗ trợ những khu vực khó khăn. Bà cho rằng có thể Mỹ đang chờ đợi thời điểm thật sự cần thiết mới làm điều này.
Tuy nhiên, lượng dầu diesel trong các khu dự trữ này tương đối nhỏ, nên việc cứu trợ sẽ không thể diễn ra trong thời gian dài, bà Xu nhận định.
Do đó, Mỹ cần phải mở rộng nguồn dự trữ diesel sẽ đảm bảo một nguồn cung cần thiết cho những khu vực dễ bị tổn thương nhất, bà Xu gợi ý, đồng thời cảnh báo rằng việc tăng dự trữ có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu và đẩy giá nhiên liệu toàn cầu lên cao hơn nữa.
Theo bà Xu, lựa chọn tốt nhất có lẽ là hạn chế xuất khẩu dầu diesel, nhưng điều này sẽ gây tranh cãi vì phần lớn hoạt động sản xuất sẽ phải chuyển hướng từ Bờ Vịnh (Gulf Coast) sang Bờ Đông (East Coast), đồng thời làm tăng giá trên toàn cầu, gây tổn hại cho các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Mỹ Latinh.
Ngoài ra, các khu vực Bờ Đông và Bờ Tây (West Coast) của Mỹ phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu quốc tế nên sẽ phải chịu áp lực giá cả. Do đó, bà cho rằng lệnh cấm xuất khẩu có thể phản tác dụng, bà Xu chia sẻ.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Forbes, Newsweek, NPR)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cung-khong-du-cau-nhung-my-kho-cam-xuat-khau-diesel-a578054.html