Sáng 3/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia thường niên văn hóa với doanh nghiệp 2022 với chủ đề Chấn hưng văn hoá – nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng.
Và trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng.
Bộ VH,TT&DL đã xác định, chủ đề năm công tác 2022 đó là năm Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ. Chính nhờ những hoạt động này, nhìn một cách tổng thể, văn hóa đã có bước phát triển mới. Trong khuôn khổ đó, hưởng ứng và thực hiện chiều sâu trong hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, Bộ VH,TT&DL đã đồng hành cùng các đơn vị tiếp tục thực hiện có chiều sâu, hiệu quả cao hơn việc công nhận, xem xét, biểu dương các doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hóa, gắn với đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
Nhằm phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2014 đã xác định nhiệm vụ: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: “Cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim” của nền kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá.
Trong thời gian qua, doanh nghiệp nước ta đang ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Theo đó, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, cộng đồng các doanh nghiệp đã xây dựng, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành, triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường, trong đó có các nhóm tiêu chí hết sức quan trọng như thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đối với xã hội.
Ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (BTC 248) cho biết, dù mới được triển khai một thời gian ngắn nhưng Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định sự cần thiết đối với hoạt động kinh doanh nói riêng và sự phát triển toàn diện của từng doanh nghiệp.
“Hoạt động không chỉ mang tính chất tôn vinh mà còn nhằm phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp, từ đó lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước”, ông Tuấn cho hay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, có nhiều cách thức mà các doanh nghiệp đã vận dụng, sáng tạo để triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí. Sau năm đầu tiên triển khai, Bộ tiêu chí đã có những sửa đổi phù hợp hơn.
Tại sự kiện, bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách. Xu hướng người tiêu dùng ưa thích các thương hiệu bền vững.
“Phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nhân dẫn dắt sẽ trở thành con đường duy nhất nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Song song với đó, những hoạt động kinh doanh phi văn hóa, làm ăn chộp giật sẽ bị đào thải”, bà Thu Thanh nêu quan điểm.
Trong khuôn khổ của diễn đàn sáng 3/12 cũng diễn ra toạ đàm Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam. Đại diện một số doanh nghiệp đều cho rằng, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong hoạch định, ban hành các chính sách nhằm xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh.
Các đại biểu kiến nghị, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, rõ nét để hỗ trợ những doanh nghiệp làm tốt. Cần tin tưởng và trao cho các doanh nghiệp Việt Nam làm những việc lớn và khó; có những hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội.
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã tôn vinh và trao chứng nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam năm 2022 cho 24 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao chứng nhận cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL cũng tặng Bằng khen cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Ban Tổ chức 248 tặng Bằng khen cho 33 đơn vị đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam năm 2022.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cong-dong-doanh-nghiep-duoc-xem-nhu-trai-tim-cua-nen-kinh-te-a583814.html