Nhắc đến ngành công nghiệp bán dẫn, không thể bỏ qua CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) khi đây là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng (nguyên liệu sản suất chip) lớn nhất Châu Á và chiếm tới gần 1/3 tổng xuất khẩu trên toàn cầu.
Theo thống kê thị trường bán dẫn thế giới (WSTS) của các nhà sản xuất bán dẫn lớn, thị trường toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 13% so với năm ngoái lên 588,3 tỷ USD, vượt kỷ lục trước đó của năm 2022.
Tại Việt Nam, nhu cầu phốt pho cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc.
Hưởng lợi từ con sóng bán dẫn, cổ phiếu DGC đã bứt phá mạnh khi leo lên mức cao nhất trong 20 tháng qua và gấp đôi chỉ sau 9 tháng.
Cụ thể, kết phiên ngày 5/3, mã DGC dừng ở mốc 113.400 đồng/cổ phiếu và tiến gần về đỉnh lịch sử đạt được hồi giữa tháng 6/2022. Giá trị vốn hóa theo đó tăng khoảng 7.000 tỷ đồng từ đầu năm lên 43.066 tỷ đồng (1,8 tỷ USD).
Nói về mức đỉnh lịch sử của Hóa chất Đức Giang, hồi tháng 6/2022, thị giá DGC chạm mốc 126.000 đồng/cổ phiếu nhờ kết quả kinh doanh bứt phá khi giá bán các sản phẩm hoá chất của công ty lên cao do gián đoạn chuỗi cung cầu vì cuộc chiến Nga – Ukraine.
Tuy nhiên, ngay sau đó vào quý IV/2022, kết quả kinh doanh của công ty đã đi xuống và kéo theo thị giá cổ phiếu lao dốc xuống vùng 46.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm 11/2022.
Sang năm 2023, tổng doanh thu của tập đoàn giảm 33% so với năm trước xuống 9.748 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, DGC thu về 3.250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 54% so với năm trước.
Nguyên nhân là thị thị trường phốt pho vàng không thuận lợi, cạnh trang trong và ngoài nước lớn, giá giảm nhanh, nhu cầu thấp hơn mọi năm. Còn các mặt hàng khác như phân bón, phụ gia thức ăn gia súc… giá cả ổn định, sản lượng có chiều hướng tăng.
Năm 2024, ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu mang về 10.202 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, tăng 4,6% so với thực hiện 2023; lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng, giảm 4,4%.
Theo dự báo của Chứng khoán Vietcap (VCSC), nhu cầu phốt pho vàng toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức một chữ số trong trung hạn, được dẫn dắt bởi nhu cầu pin EV và nhu cầu chip từ trí tuệ nhân tạo. Trong đó, DGC sẽ hưởng lợi và tiếp tục giành thị phần trên thị trường hóa chất phốt pho công nghiệp (IPC) trong trung hạn khi Trung Quốc không còn xuất khẩu phốt pho vàng.
Bên cạnh đó, VCSC tăng EV/EBITDA mục tiêu và giá mục tiêu mới tương ứng P/E năm 2024 của DGC đạt 10,3 lần, hiện cao hơn mức P/E trượt trung bình 5 năm của DGC là 9 lần.
Còn Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận của DGC trong năm 2024 sẽ tăng 26% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu bán dẫn toàn cầu tăng mạnh hơn và nhu cầu phân bón đi kèm với nhu cầu trồng trọt tăng lên.
Theo SSI, quá trình chuyển đổi dần từ phốt pho vàng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn (axit photphoric) sẽ làm tăng biên lợi nhuận của Hoá chất Đức Giang.
Đồng thời, việc xây dựng nhà máy Chlo-alkali (từ quý II/2024) sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp trong dài hạn (dự kiến từ năm 2026).
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/co-phieu-mot-doanh-nghiep-hoa-chat-tang-gap-doi-sau-9-thang-a652614.html