noel giáng sinh vui vẻ
Thứ Hai, Tháng Bảy 1, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểm"Có nơi san sát nhà thuốc nhưng có nơi không có nhà...

    "Có nơi san sát nhà thuốc nhưng có nơi không có nhà thuốc nào"

    ĐBQH đề xuất cần một điều Luật để điều tiết việc mở nhà thuốc, nơi vùng sâu vùng xa thì khuyến khích mở, còn nơi đã san sát nhà thuốc thì không khuyến khích.

    Trước đây, khoảng cách giữa hai nhà thuốc tối thiểu phải là 200 mét và hiệu thuốc phải là nhà cấp 3 trở lên. Nhưng, trong Thông tư hướng dẫn về điều kiện hành nghề y dược có hiệu lực từ ngày 4/7/2002, các quy định này đã bị bãi bỏ. Và mới đây, tại chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) đề nghị tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc.

    Nhà thuốc sẽ phải cạnh tranh, bán thuốc bằng mọi giá

    Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh đã có những trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT) về bài toán quản lý nhà thuốc nhiều như hiện nay.

    NĐT: Thưa bà, tại phiên thảo luận tại hội trường, bà đã nêu thực trạng hiện nay tình trạng muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được, đây là thực trạng nhức nhối. Bà có nhìn nhận thế nào về việc mở các nhà thuốc hiện nay?

    ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Từ ngày tôi còn là sinh viên đại học, pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân quy định khoảng cách mỗi nhà thuốc phải cách nhau 500 mét. Không tính khoảng cách khi bản thân dược sĩ là người trực tiếp mở chứ không phải đi thuê chỗ.

    Ngày trước, dược sĩ có chứng chỉ hành nghề, làm việc tại thành phố nào thì mới được quyền mở nhà thuốc. Nhưng, bây giờ khoảng cách thì bãi bỏ, muốn mở đâu cũng được. Dẫn đến hệ lụy, nếu đi trong Tp.HCM có những khu vực san sát nhà thuốc một chỗ, nhưng cũng có những nơi vùng sâu, vùng xa không có nhà thuốc nào.

    Thêm nữa, dược sĩ bây giờ chỉ cần có chứng chỉ hành nghề là có quyền mở ở bất cứ nơi nào. Cho nên, thí dụ một dược sĩ với chứng chỉ hành nghề đang làm cho một công ty dược ở tỉnh khác như Yên Bái, Lào Cai nhưng vẫn mở một nhà thuốc ở thành phố.

    Nếu lý luận rằng cứ cấp trước, còn sau đó trong quá trình hoạt động nếu đi thanh tra kiểm tra dược sĩ không có mặt ở nhà thuốc thì sẽ phạt. Nhưng, khi nhà thuốc hoạt động còn có Luật kèm theo, khi đi đến kiểm tra không thấy dược sĩ thì sẽ có giấy ủy quyền. Nếu đột xuất đi công tác đâu đó vài ngày thì còn nghe được, nhưng bản thân dược sĩ đó hộ khẩu một nơi, làm việc ở một thành phố khác thì làm sao có mặt ở nhà thuốc?. Không loại trừ tình trạng cho thuê bằng và đây là thực trạng nhức nhối.

    Đối thoại - 'Có nơi san sát nhà thuốc nhưng có nơi không có nhà thuốc nào'

    ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan trao đổi bên hành lang Quốc hội.

    NĐT: Việc sửa đổi Luật Dược được kỳ vọng sẽ giải quyết hầu hết các vướng mắc, bất cập hiện nay, đồng thời bổ sung nhiều nội dung mới nhằm bảo đảm tăng tiếp cận thuốc cho người dân, việc có nhiều nhà thuốc liệu có giải quyết được vấn đề tăng tiếp cận thuốc của người dân không, thưa bà? 

    ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Trong báo cáo của Bộ Y tế về tổng kết Luật Dược năm 2016 có nêu như vậy là tốt, tăng tính tiếp cận của người dân với nhà thuốc.

    Nhưng, tôi không đánh giá như vậy mà điều quan trọng là phải làm sao cho người dân sử dụng thuốc được hiệu quả, an toàn nhất.

    Khi hiệu thuốc đông như vậy sẽ dẫn đến hệ lụy đó là, chia trung bình số nhà thuốc thì từ 39.200 lên 67.000. Có nghĩa là một nhà thuốc năm 2016 thay vì phục vụ cho 2.217 dân cư thì bây giờ phục vụ xuống chỉ còn 1.564 người, trong khi đối với quốc tế một nhà thuốc thì phục vụ cho 4.182 người.

    Đi mua thuốc có thể hơi xa một chút, nhưng rõ ràng, một nhà thuốc phục vụ cho nhiều người thì lợi nhuận sẽ khá hơn.

    Còn khi phục vụ ít người thì lợi nhuận sẽ giảm, lợi nhuận giảm, nhà thuốc hoạt động còn nhiều chi phí phải lo. Do đó, để tồn tại, buộc nhà thuốc sẽ phải cạnh tranh, bán thuốc bằng mọi giá, ai muốn mua thuốc thì thuốc gì cũng bán.

    Trong khi đó, thuốc là mặt hàng đặc biệt, thuốc kê đơn phải có ý kiến bác sĩ, như kháng sinh bắt buộc kê đơn. Nếu uống một cách bừa bãi sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và gây hại.

    Khó kiểm soát giá thuốc

    NĐT: Theo đại biểu, hiện nay có phải đa số các nhà thuốc đều đang bán thuốc vô tội vạ?

    ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Đa số! Vì họ lý luận “tôi không bán thì người khác cũng bán”, “không bán thì mất khách”. Ở nước ta hiện nay có một thực trạng đáng buồn đó là có bác sĩ bán thuốc ngay tại phòng khám, còn dược sĩ (người bán thuốc) thì lại tự ý bán thuốc cho bệnh nhân. Thậm chí, thế vai trò chẩn bệnh của bác sĩ. Cho nên, cả hai bên đều phải có trách nhiệm, chứ không nên vì lợi nhuận mà giành trách nhiệm của nhau.

    NĐT: Khi mở nhà thuốc thì rõ ràng phải có những tiêu chuẩn, kỹ thuật cụ thể? 

    ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Khi thẩm định để làm nhà thuốc thì phải có tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc, có điều khoản dược sĩ tư vấn cho bệnh nhân như thế nào… Thử đi ra nước ngoài, nếu bạn bị viêm họng thì tôi đố bạn mua được một viên kháng sinh, có thể thấy việc mua thuốc ở đó không hề dễ.

    Đối thoại - 'Có nơi san sát nhà thuốc nhưng có nơi không có nhà thuốc nào' (Hình 2).

    Thuốc là mặt hàng đặc biệt, thuốc kê đơn phải có ý kiến bác sĩ.

    NĐT: Vậy theo bà, chúng ta cần phải có những giải pháp như thế nào để quản lý việc mua bán thuốc, vì nếu cắt giảm nhiều nhà thuốc thì sẽ gây khó cho người dân?

    ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi, số lượng nhà thuốc không cần thiết phải nhiều như hiện nay, người dân nên đặt yêu cầu an toàn của bản thân trên sự tiện lợi. Người dân bị bệnh cần phải đi khám bác sĩ.

    Còn lý luận rằng nhà thuốc nhiều giải quyết các vấn đề bệnh cấp bách thì tôi cho rằng không nằm ở nhà thuốc gần mà đã cấp bách thì phải vào bệnh viện.

    Do đó, trong chủ trương, định hướng cần xem xét những vùng nào thiếu thì phải có những chính sách hỗ trợ để mở nhà thuốc, phục vụ người dân.

    Tôi cho rằng, cần một điều Luật để điều tiết việc mở nhà thuốc, đối với những nơi vùng sâu vùng xa thì khuyến khích mở, còn những nơi đã san sát nhà thuốc thì không khuyến khích mở mà siết lại.

    Chưa kể, về vấn đề phân phối. Ở đây có thể nói là thực trạng bùng nổ gia tăng số lượng các công ty phân phối, bán buôn và nhà thuốc bán lẻ, từ Luật Dược 2016 đến nay số lượng tăng rất lớn. Tăng như vậy chỉ tăng khâu trung gian, để thuốc tăng giá, dẫn đến khó về kiểm soát giá thuốc.  

    Trong khi cơ chế hậu kiểm và bộ máy thanh tra chúng ta vẫn như cũ và các nhà thuốc cũng tăng nhiều. Số lượng thanh tra dược đếm trên đầu ngón tay. Thí dụ như cả Tp.HCM ở Sở Y tế chỉ có 5 thanh tra dược, các quận, huyện, phòng y tế có được một dược sĩ là may, còn có những phòng y tế hoàn toàn không có dược sĩ, chỉ có bác sĩ.

    Nếu đi vào nhà thuốc thanh tra thì phải nói chuyện với dược sĩ, nhưng nếu không có chuyên môn thì bắt bẻ sao được, nên điều này là rất khó.

    NĐT: Theo bà, Bộ Y tế cần phải có trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đồng thời, với việc hiệu thuốc tràn lan, bán bất chấp như hiện nay, đại biểu có lời khuyên nào cho người dân trong việc lựa chọn thuốc?

    ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Vấn đề đầu tiên ở đây là trách nhiệm xây dựng Luật, cần giải quyết gốc rễ vấn đề. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động thì hậu kiểm mới là quan trọng. Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn trong dự Luật vẫn chưa có quy định nào về quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng…

    Bên cạnh đó, tôi cũng có lời khuyên đến người dân, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan đến sức khỏe. Do đó, việc lựa chọn thuốc an toàn và chất lượng mới là điều quan trọng. Người dân khi có bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra, thăm khám.

    NĐT: Xin trân trọng cảm ơn bà!. 

    Mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc vẫn khá thoải mái

    Trước đó, liên quan tới kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc, ĐBQH Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) chỉ rõ, Luật hiện hành đang có nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua bán thuốc tại các quầy thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.

    Việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến. Từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc… Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU