noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngCó nên bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành...

    Có nên bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu?

    Trước bối cảnh có rất ít tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, chuyên gia cho rằng Nghị định 08 tạm dừng quy định phải xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là hợp lý.

    Nghị định 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/3/2023. Một số thay đổi lớn bao gồm: Nhà phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm nếu có sự đồng ý của trái chủ.

    Đáng chú ý, Nghị định này hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến 31/12/2023.

    Nghi vấn phát sinh lợi ích riêng trong việc xếp hạng tín nhiệm

    Phát biểu tại Toạ đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam khẳng định không nên lùi việc xếp hạng tín nhiệm.

    Nguyên do bởi đây chính là yếu tố tiên quyết, giải pháp tình thế giúp TPDN lấy lại niềm tin của nhà đầu tư bằng phương pháp công khai, minh bạch thông tin của mình.

    Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm lưu ký, UBCKNN lại không đồng tình với ý kiến trên. Cụ thể, ông Sơn cho rằng Nghị định 08 đã sửa một số điều của Nghị định 153 và hoãn thi hành một số điều khoản của Nghị định 65.

    Trước đó, Nghị định 65 được ban hành vào thời điểm thị trường phát triển quá nóng nên buộc phải siết lại để đảm bảo ổn định, đề ra câu chuyện quy định lại khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm.

    “Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là phát hành TPDN riêng lẻ có thực sự cần thiết phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm hay không?”, ông Sơn nghi vấn.

    Theo đó, ông Sơn lý giải tại thị trường Việt Nam hiện có rất ít tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, trong khi đó số lượng doanh nghiệp cần phát hành trái phiếu lại vô cùng lớn và thời gian làm xếp hạng cũng phải mất ít nhất từ 2-3 tháng.

    Đồng thời, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm hiện nay đều là tổ chức tư nhân, không phải doanh nghiệp Nhà nước. Nếu nhu cầu xếp hạng tín nhiệm lớn và nguồn cầu không đủ, ông Sơn cho rằng có thể sẽ phát sinh câu chuyện lợi ích riêng, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng sẽ có thể “tiếp xúc riêng”.

    “Theo tôi tại thời điểm này chưa nhất thiết phải bắt buộc xếp hạng và việc tạm lùi lại đến hết năm 2023 là điều cần thiết để chúng ta có đủ nguồn lực để phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm”, ông Sơn khẳng định.

    Tài chính - Ngân hàng - Có nên bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu?

    Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm lưu ký, UBCKNN.

    Dưới tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, ông Lê Xuân Đồng – Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn FiinGroup khẳng định đối với Nghị định 08 cũng như Nghị định 65 sửa đổi, doanh nghiệp hoàn toàn nhất trí với định hướng của Bộ Tài chính cũng như Chính phủ trong việc hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

    Bên cạnh đó, ông Đồng chia sẻ để đưa ra dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bản thân tổ chức xếp hạng đã phải chuẩn bị rất kỹ cả về chất lượng nhân sự lẫn chuyên môn.

    “Như ông Nguyễn Sơn nói, khi số lượng doanh nghiệp có nhu cầu xếp hạng tín nhiệm lớn, chúng tôi cũng nhận thấy cần có thêm nhiều nhà xếp hạng tín nhiệm để chia sẻ công việc”, ông Đồng cho hay.

    Song, vị lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định đạo đức chuyên môn là vấn đề số 1 của nghề xếp hạng tín nhiệm.

    “Hiện tại cũng có những quy định về vấn đề giao dịch, sở hữu trái phiếu để tránh xung đột giữa các nhà xếp hạng. Có sự thông đồng giữa nhà xếp hạng tín nhiệm hay không? Thì nó giống như việc kiểm toán, hoàn toàn độc lập.

    Nếu bất kỳ nhân sự nào bị phát hiện có mối quan hệ hay sở hữu trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của FiinGroup sẽ bị sa thải ngay lập tức. Đây là điều cấm kỵ”, ông Đồng khẳng định.

    Cần quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống

    Đánh giá toàn cảnh về Nghị định 08 mới được ban hành, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định đây là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường.

    Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh thị trường cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm…) cũng như nền tảng nhà đầu tư.

    Cụ thể, ông Lực nêu ý kiến cần chú tâm đến 7 biện pháp trọng tâm.

    Một là, quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

    “Điều này sẽ giúp thị trường TPDN phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn”, ông Lực lý giải.

    Hai là, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.

    Ba là, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN).

    Bốn là, hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo…. để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

    Tài chính - Ngân hàng - Có nên bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu? (Hình 2).

    Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.

    Năm là, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.

    Sáu là, cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

    Cuối cùng, thị trường TPDN Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản nên việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống… cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

    Ngoài ra, ông lực cũng kiến nghị cần quan tâm hơn nữa đến rủi ro hệ thống, lan truyền giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – bất động sản.

    Theo đó, nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý là rất quan trọng, cùng với việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính, với việc tăng tính độc lập, năng lực cho cơ quan thanh tra – giám sát cũng như vai trò của bảo hiểm tiền gửi. Cùng với đó cũng cần có đề án để sớm nâng hạng thị trường.

    “Đây là câu chuyện cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành, các cơ quan lãnh đạo. Tôi cũng mong muốn UBCKNN sẽ có vị thế và vai trò cao hơn, độc lập hơn bởi quy mô thị trường đang ngày càng lớn”, TS. Cấn Văn Lực bình luận thêm.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU