noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môChuyển hướng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho quả thanh long

    Chuyển hướng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho quả thanh long

    Thanh long từng được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng đến nay phải tìm hướng đi mới khi thị trường thay đổi, biến động.

    Giá bán bấp bênh, thị trường khó khăn

    Giữa tháng 10/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin tại tỉnh Long An cho thấy, diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 8.900ha (giảm khoảng1/4 diện tích so với tháng 4/2021), tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và Tp.Tân An,… Riêng tại huyện Châu Thành, diện tích thanh long hiện còn khoảng 6.800ha với năng suất đạt 274 tạ/ha, sản lượng đạt 262.826 tấn.

    Là một trong những địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, tình hình phát triển thanh long của Bình Thuận cũng có nhiều khó khăn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

    Đến cuối năm 2020, diện tích thanh long Bình Thuận là 33.000ha, tuy nhiên do Covid-19 và các cửa khẩu phía Bắc khó khăn trong xuất khẩu nên đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của bà con. Từ năm 2022 đến nay, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh giảm xuống chỉ còn 27.000ha.

    Tính đến cuối tháng 9/2023, tỉnh Tiền Giang có trên 10.000ha thanh long ruột trắng, đỏ, vàng, trong đó đa số là thanh long ruột trắng. Do những vụ trồng gần đây liên tục thua lỗ nên hồi đầu năm nay, anh Nguyễn Trúc Hiếu, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo đã chuyển sang cây trồng khác vì “sợ rủi ro cao”, “sợ sẽ tái diễn cảnh thanh long chín đầy vườn mà không ai mua”.

    Kinh tế vĩ mô - Chuyển hướng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho quả thanh long

    Giá thanh long giảm, nông dân ở Tiền Giang, Long An,…gặp nhiều khó khăn.

    Báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tháng 9/2023 chỉ ra, hiện nay, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Giống chủ lực là thanh long vỏ đỏ ruột trắng của nước ta có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng.

    Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch. Mặt khác, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ… cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao. Qua thống kê, hiện nay 80 đến 85% sản lượng thanh long của nước ta sản xuất ra hằng năm phục vụ xuất khẩu.

    Đến nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực, chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long thế giới có xu hướng tăng, nhất là Trung Quốc có quy mô về diện tích và sản lượng tăng nhanh, cho nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế. Đối với Ấn Độ, một thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới.

    Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam chỉ tập trung tăng diện tích thanh long mà không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

    Quy hoạch lại chất lượng để cạnh tranh

    Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp, Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) cho biết, trong bối cảnh nhiều quốc gia mở rộng diện tích dẫn đến sản lượng thanh long tăng. Vì vậy, để tránh tình trạng cung vượt cầu, Bộ NN&PTNT chủ trương không gia tăng diện tích thanh long, nhất là tại các vùng đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng ảnh hưởng của ngập lụt và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

    Cùng với đó, cần bố trí diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60% diện tích, thanh long chính vụ 40%; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa người dân với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long. Đặc biệt, cần giữ vững xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, trong đó chủ động tìm hiểu, đáp ứng tốt các yêu cầu, thị hiếu từng thị trường về mẫu mã, chất lượng và yêu cầu nhập khẩu.

    Là doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, ông Phạm Cao Vân – Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải cho hay: “Gần 1 năm qua, chúng tôi đã bắt đầu chuyển hướng thị trường và các dòng sản phẩm, thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc thì đã chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và làm các chứng nhận Halah để vào siêu thị tại Malaysia,…”

    Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất: “Doanh nghiệp cần đặt hàng các cơ quan khoa học kỹ thuật nghiên cứu kỹ thuật bảo quản trái thanh long được dài ngày. Để giữ thị trường xuất khẩu, các địa phương không mở rộng thêm diện tích trồng mới; chỉ thay thế các vườn thanh long già cỗi để có năng suất, chất lượng trái tốt hơn. Các địa phương, doanh nghiệp cũng cần hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng bị nâng tỷ lệ kiểm tra như EU đang áp dụng”.

    Đồng quan điểm, TS. Lê Văn Đức, chuyên gia nông nghiệp chỉ ra, quy hoạch vùng trồng thanh long nên ổn định diện tích khoảng 60 – 65 ngàn hecta, sản lượng 1,3 – 1,5 triệu tấn, tập trung ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang bằng quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo năng suất, truy xuất nguồn gốc.

    “Các địa phương cần liên kết nghiên cứu giống thanh long đa dạng: ruột trắng, ruột đỏ, vỏ vàng… chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường. Hay bố trí diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60% diện tích, thanh long chính vụ 40% diện tích để phù hợp liên kết giữa vùng sản xuất tập trung với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long”, ông Đức khuyến nghị.

    Báo cáo của Bộ NN&PTNT đầu tháng 10/2023 đã xác định nhiệm vụ cho thanh long trong tình hình mới là nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh về giá với hàng nhiều quốc gia khác như: Thái Lan, Trung Quốc… Đồng thời, thanh long Việt Nam phải có khả năng cung cấp thường xuyên, đúng thời hạn với số lượng lớn, chất lượng tốt, vị ngon phải đồng đều và bao bì phải đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Đánh giá vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Hiếu, Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ, cần có cơ chế hợp tác giữa 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trong điều tiết mùa vụ, cân đối sản lượng thu hoạch phù hợp so với nhu cầu thị trường tiêu thụ, xác định “bán sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mình có”.

    Thêm nữa, cần có chính sách “khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng ký kết không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn đầu tư vào vùng nguyên liệu” để nâng cao giá trị trái thanh long.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU