Ông Kojima Kazunobu – Chuyên gia tư vấn JICA, Tư vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Daiwa đã có trao đổi về những vấn đề của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay và mối quan hệ hợp tác giữa hai thị trường chứng khoán Việt Nam và Nhật Bản.
Niềm tin thị trường chứng khoán có xu hướng giảm
PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm hiện tại?
Ông Kojima Kazunobu: Kể từ khi mở cửa giao dịch vào năm 2000, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được mở rộng rõ rệt. Mặc dù hệ thống pháp luật liên quan được xây dựng và phát triển khá tốt, vẫn còn tồn tại một số vấn đề về chất lượng của các công ty niêm yết và công ty chứng khoán cũng như sự hiện diện hạn chế của các nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng chậm của số lượng các công ty niêm yết và các hoạt động gây quỹ trong những năm gần đây cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết.
Các biện pháp cải thiện chất lượng của công ty niêm yết và tổ chức trung gian (công ty chứng khoán và quỹ) sẽ là chủ đề quan trọng trong thập kỷ tới. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng Việt Nam nên áp dụng quy trình dựng sổ và bảo lãnh trong chào bán chứng khoán ra công chúng, giống như các thị trường chứng khoán lớn khác trên thế giới.
PV: Hiện nay có gần 7 triệu tài khoản giao dịch trên thị trường, tương đương với 7% dân số Việt Nam. Theo ông, con số này liệu đã tương xứng với tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam hay chưa?
Ông Kojima Kazunobu: Con số 7% này là rất cao và là dấu hiệu tích cực cho tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán, cần phải cải thiện tính thanh khoản của thị trường.
PV: Nâng hạng thị trường là điều cần thiết để có thể thu hút dòng vốn ngoại một cách ổn định. Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể làm những gì để đạt được điều này?
Ông Kojima Kazunobu: Theo tôi hiểu thì đánh giá của MSCI cơ bản là đánh giá về khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng vấn đề cơ bản và lớn nhất đối với Việt Nam là tỉ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) và tỉ lệ giới hạn trên áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định trong điều lệ công ty. Việc công bố báo cáo bằng tiếng Anh hay tiêu chuẩn kế toán mà mọi người thường đề cập chỉ là vấn đề nhỏ so với FOL.
PV: Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón những cơ hội và thách thức nào trong ngắn và trung hạn, thưa ông?
Ông Kojima Kazunobu: Phần lớn các nhà đầu tư quốc tế đều có kỳ vọng cao về tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và có động lực lớn trong việc đầu tư tại đây. Đây là cơ hội lớn, sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư bán lẻ tại Việt Nam.
Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ quy định về tỉ lệ FOL nên các nhà đầu tư nước ngoài khó tham gia IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) theo hình thức đấu giá.
Về cơ bản, tôi cho rằng vấn đề về độ mở và linh hoạt của thị trường sẽ là thách thức lớn nhất trong trung hạn đối với sự tăng trưởng, phát triển cũng như gia tăng sự hiện diện của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Vậy các yếu tố, sự kiện nào sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023?
Ông Kojima Kazunobu: Tôi không phải là chuyên gia thị trường nên chỉ có thể đưa ra nhận định chung. Về lâu dài, giá cổ phiếu sẽ biến đổi dựa trên tiềm năng phát triển của từng doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung; nhưng về ngắn hạn, mối quan hệ cung cầu sẽ có tác động lớn hơn.
Hiện nay, niềm tin vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm do một số vấn đề phát sinh trong năm 2022 bên cạnh mối quan hệ cung cầu suy yếu rõ rệt. Vì vậy, tôi cho rằng việc phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân sẽ là động lực lớn nhất thúc đẩy thị trường.
Bài học từ Nhật Bản
PV: Ông có thể chia sẻ những bài học từ Nhật Bản mà Việt Nam có thể áp dụng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán?
Ông Kojima Kazunobu: Yếu tố cần thiết để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán, không chỉ riêng đối với Nhật Bản, là việc đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và minh bạch. Vấn đề này cũng đã được trình bày trong phần Mục tiêu và Nguyên tắc của IOSCO (Tổ chức Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán).
Nhìn từ góc độ này, thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết, nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các công ty chứng khoán đồng thời củng cố chức năng thị trường sơ cấp (niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng).
Thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết, nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các công ty chứng khoán đồng thời củng cố chức năng thị trường sơ cấp.
Ngoài ra, một số thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác mà tôi cho rằng Việt Nam nên cân nhắc áp dụng, gồm có: phát huy vai trò của các tổ chức tự quản (SRO) để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán, củng cố việc thẩm định công ty niêm yết, trong đó tích hợp cả thẩm định định tính để nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết.
Việt Nam cũng nên áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về dựng sổ và bảo lãnh phát hành đối với chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động gây quỹ cũng như tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhiều các nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.
PV: Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì và JICA tài trợ sẽ hỗ trợ thế nào trong việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong nước?
Ông Kojima Kazunobu: Tôi cho rằng, việc thúc đẩy áp dụng các biện pháp giám sát thị trường, giám sát công ty chứng khoán, cải thiện hoạt động quản lý chào bán chứng khoán ra công chúng và niêm yết và nâng cao nhận thức bảo vệ nhà đầu tư mà dự án này đề xuất sẽ giúp gây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong nước. Trên thực tế, “Chiến lược Phát triển Thị trường Chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021-2030” đã tích hợp nhiều giải pháp được khuyến nghị bởi dự án này.
PV: JICA có kế hoạch như thế nào để hỗ trợ cải thiện chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Kojima Kazunobu: Một số thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác mà tôi cho rằng Việt Nam nên cân nhắc áp dụng, gồm có: phát huy vai trò của các tổ chức tự quản (SRO) để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán, củng cố việc thẩm định công ty niêm yết.
Trong đó tích hợp cả thẩm định định tính để nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về dựng sổ và bảo lãnh phát hành đối với chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động gây quỹ cũng như tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhiều các nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.
PV: Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, điểm số vẫn không có mức tăng đáng kể sau hơn 20 năm. Nhìn từ kinh nghiệm và đánh giá của Nhật Bản, thị trường Việt Nam đã phát triển đúng với tiềm năng tăng trưởng của nó và của nền kinh tế chưa? Vấn đề minh bạch thị trường có phải đang là một rào cản?
Ông Kojima Kazunobu: Cải thiện tính công bằng và minh bạch vốn là chủ đề xuyên suốt trong các dự án JICA và đương nhiên là vấn đề cốt yếu cần phải giải quyết để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam. Cải thiện tính công bằng và minh bạch là vấn đề cốt yếu cần phải giải quyết để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tình hình giá cổ phiếu, tôi tin rằng cải thiện tính thanh khoản mới là vấn đề quan trọng nhất.
Số lượng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khoảng 2 triệu người lên đến 7 triệu người trong 5 năm qua, nhưng số lượng công ty niêm yết và tỉ lệ cổ phiếu lưu động có thể thanh khoản gần như không có sự thay đổi.
Điều này không khuyến khích các luồng đầu tư dài hạn dựa trên đánh giá tăng trưởng, mà luồng tiền của các nhà đầu tư sẽ được bơm vào hay rút ra tùy thuộc vào cảm tính thị trường và các sự kiện diễn ra trên thị trường.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-nhat-neu-van-de-cot-yeu-de-thuc-day-thi-truong-chung-khoan-a604599.html