Trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP), các Bộ trưởng, lãnh đạo quốc gia đã có phiên trao đổi đầu tiên, thảo luận về vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.
5 giải pháp thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LTTP
Chia sẻ tại phiên đối thoại, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống LTTP thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh.
Đồng thời, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế và thu nhập cho các nông hộ, kèm theo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về xã hội và môi trường được bền vững.
Theo ông Hoan, việc chuyển đổi hệ thống LTTP đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực nhằm đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Từ đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Đầu tiên rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Song song với đó là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; thúc đẩy thực hành tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoàn chia sẻ, Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực. Đặt mục tiêu đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân Việt Nam, đóng góp vào an ninh lương thực thế giới.
Tăng cường tỉ trọng tiếp cận lương thực
Ông Christian Hofer – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ cho biết, quốc gia này tích cực trong quá trình chuyển đổi LTTP cũng như chủ động tổ chức các hội nghị liên quan đến vấn đề này cùng các bên tham gia của Mạng lưới một hành tinh.
Đại diện Thuỵ Sĩ cho rằng, các yếu tố chính đóng góp vào quá trình chuyển đổi gồm tăng cường tỉ trọng dân cư được tiếp cận LTTP đảm bảo dinh dưỡng, giảm thất thoát thực phẩm; tăng tỉ trọng người dân tham gia vào sản xuất thực phẩm bền vững. Nhận thấy tầm quan trọng đó, Thụy Sĩ đã tổ chức nhiều hội thảo, để giúp người dân tiếp xúc được với các chính sách mới nhất về LTTP.
Về phía Ethiopia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Meles Mekonen nhấn mạnh: “Thay vì chờ những giải pháp toàn diện, chúng ta cần những giải pháp cụ thể, có tác động lập tức”. Tham gia chuyển đổi hệ thống LTTP là nhiệm vụ tối cao của Chính phủ Ethiopia và quá trình này được thiết kế bởi các bên liên quan.
Đại diện quốc gia này cho biết, 10 chương trình ưu tiên của Ethiopia sẽ hỗ trợ cho việc đa dạng hóa những chương trình sản xuất gồm đa dạng nguồn thực phẩm, chứng nhận thực phẩm an toàn, hỗ trợ tài chính …
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, ông Joao Campari, Trưởng nhóm Thực hành lương thực toàn cầu WWF chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều phải chung tay cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Cách duy nhất để đạt được những mục tiêu đó là có những hành động thiết thực để chuyển đổi hệ thống LTTP với tính cấp bách và quy mô lớn”.
Trên thực tế, hoạt động này đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đạt được những mục tiêu dự kiến do hành động chưa đủ.
Để chuyển đổi hệ thống LTTP, chúng ta phải có kế hoạch chuyển đổi và giải pháp cần thiết để giải những bài toán này. Phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia, cùng nhau hướng tới phát triển Hệ thống LTTP bền vững nhưng phải bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Campari, trên thực tế chúng ta phải chi tiết hơn, bóc tách vấn đề này theo hệ thống LTTP cấp quốc gia, khu vực chứ không chỉ là hệ thống toàn cầu để phù hợp với bối cảnh từng quốc gia, địa phương.
Do đó, cần phải có những giải pháp tùy chỉnh cho phù hợp, phải giúp các quốc gia xác định hành động nào sẽ có tác động tiềm năng cao nhất đối với mỗi quốc gia. Mỗi một quốc gia thành viên dựa trên tình hình an ninh lương thực, vấn đề môi trường, đa dạng sinh học để có hành động phù hợp và phải chi tiết hóa ở các địa phương. Trong quá trình này các địa phương có thể học hỏi lẫn nhau.
Xem thêm:
Việt Nam sẵn sàng cùng các nước xây dựng hệ thống lương thực bền vững
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-doi-he-thong-luong-thuc-van-chua-dat-duoc-muc-tieu-du-kien-a604645.html