Đến hẹn lại lên, khi con ve náo nức gọi hè, từng tốp, từng đoàn học sinh, đủ các cấp học, từ “tốt nghiệp” mầm non đến đại học, xúng xính áo quần, lôi thôi phụ kiện, bắt đầu cho những buổi chụp ảnh kỷ yếu có thể kéo dài cả ngày, thậm chí nhiều ngày. Đó là những hình ảnh hết sức quen thuộc mỗi độ chớm hè.
Địa điểm chụp có thể là lớp học, hành lang, sân trường, gốc cây, cho đến cổng trường, góc phố, hay xa hơn là các khu du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh.
Cũng có thượng vàng hạ cám, từ những cô cậu học trò miền núi, miền biển khuôn mặt rám nắng, đến những học trò thành thị, xúng xính trong bộ áo cử nhân, chụp bộ ảnh vài chục ngàn, vài trăm ngàn đến nhiều triệu đồng. Ê-kíp chụp ảnh cũng theo đó cũng biến động theo cho xứng tầm với “đẳng cấp” và độ chịu chi, từ một người đến cả nhóm chục người, với đủ loại máy ảnh, máy quay, máy bay mini.
Tất nhiên, con trẻ chụp ảnh, không thế thiếu các bậc cha mẹ, họ cũng xúng xính áo quần, gương mặt vui tươi, cùng con chung niềm vui ngày “tốt nghiệp”. Để rồi, nhiều ngày sau đó, trên các trang mạng xã hội, ảnh kỷ yếu và biết bao hình ảnh “sống ảo” khác được trưng bày tràn ngập với biết bao lời bình khen chê, so sánh.
Chụp ảnh kỷ yếu từ bao giờ, đã trở thành một nét văn hóa học đường, trở thành một hoạt động không thể nào thiếu được của tuổi học trò. Lắm điều vui và cũng không ít nỗi buồn, nhiều nỗi suy tư.
Tuổi học trò là lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng, đầy ắp kỷ niệm, ước mơ và cả những tâm tình của tuổi mới lớn. Sau những tháng ngày vất vả triền miên với việc học, bận bịu với ôn thi, chụp ảnh kỷ yếu là cơ hội hiếm hoi để học trò xả hơi, thư giãn, xả bớt những gánh nặng học hành, cũng là thời điểm những xích mích, hờn dỗi trong lớp có thể được tháo bỏ, tình bạn trở nên khăng khít hơn. Những buổi chụp ảnh còn là cơ hội để học trò được gần gũi với thầy cô, được bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ, và cả những tâm sự, bộc bạch của mình, đó cũng là cơ hội vàng để cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn.
Quan trọng hơn, những buổi chụp ảnh kỷ yếu đầy ắp kỷ niệm và tiếng cười đó, còn là hành trang theo các em suốt chặng đường tiếp theo, là ký ức, “của để dành” và tiếng gọi tụ họp mỗi năm. Để rồi trong những buổi họp lớp, sau những tiếng cười giòn tan, những kỷ niệm ùa về, tất cả cùng nhớ về thầy cô, mái trường và bè bạn, nhớ năm tháng cùng nhau học và chơi, mà thời gian không thể nào quay trở lại.
Ý nghĩa của kỷ yếu là những gì giản dị và thiêng liêng như vậy, đẹp đẽ, trong trẻo, hồn nhiên và đậm chất học trò. Nhưng, chụp ảnh kỷ yếu, vốn chỉ dành cho học sinh lớp 12 hoặc sinh viên đại học, giờ đây, đã trở thành trào lưu ở mọi cấp học, từ “tốt nghiệp” mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đến trung học phổ thông, đại học, và cả những người đã tốt nghiệp ra trường.
Chụp ảnh kỷ yếu bây giờ cũng không đơn giản chỉ là chụp ảnh, đó còn là một sự kiện trọng đại có thể được lên kế hoạch nhiều tháng, được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, kỹ càng, chuyên nghiệp. Và tự bao giờ, có một cuộc đua ngầm trong giới học trò về ảnh kỷ yếu, phải độc, lạ, chất chơi, phải hơn lớp này, lớp kia, trường này trường nọ. Rồi nào tóc tai, nào make up, nào quần áo, đạo cụ, thuê quay dựng, đi lại, ăn uống… Đồng nghĩa với chi phí đầu tư cho những buổi chụp ảnh không còn nhỏ nữa, từ vài trăm ngàn đến nhiều triệu đồng.
Tất cả mọi chi phí tất nhiên là do phụ huynh đóng góp. Không muốn con thua thiệt bạn bè, theo phong trào của lớp, của trường, nhiều phụ huynh sẵn sàng móc hầu bao, nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện, khi họ phải lao động cật lực để đảm bảo cuộc sống, lo cơm áo gạo tiền và cả tiền học, tiền ôn thi cho con.
Thế là, những buổi chụp ảnh kỷ yếu đôi khi khiến những mâu thuẫn xuất hiện, giữa các thành viên lớp với nhau, nhóm này và nhóm kia, giữa con cái với cha mẹ, giữa các cha mẹ trong hội phụ huynh với nhau. Từ những ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, kỷ yếu đôi khi trở thành gánh nặng, trở thành chiếc kéo cắt đứt sợi dây gắn kết tốt đẹp của tuổi học trò mất nhiều năm gây dựng. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh nữ bí thư của lớp đã khóc nức nở vì nhiều bạn trong lớp không “chịu” đóng tiền chụp kỷ yếu, mà như lời bạn ấy “chỉ có 360 ngàn”.
Đó là chưa kể, ảnh kỷ yếu hiện tại đều mang tính “đồng phục”, trăm ngàn bộ na ná nhau về màu sắc, phong cách, quần áo, từ trẻ mầm non đến đại học đều mặc áo cử nhân, cầm bằng tốt nghiệp, cùng một tư thế, chụp chung, chụp riêng, chụp trong lớp cho đến sân trường, bởi người chụp thì ít mà công việc thì nhiều, thời gian đâu mà lên ý tưởng, đầu tư.
Nếu có điều kiện, tỏ độ chất chơi, thì đầu tư thời gian, tiền bạc, thuê ê-kíp chuyên nghiệp, đạo diễn, để cho ra đời những bộ ảnh “không đụng hàng”, phong cách, cùng với đó là tốn kém rất nhiều tiền bạc, thời gian. Rồi khi những bộ ảnh đó được tung lên Facebook, biết bao nhiêu cơn bão like, khen chê lẫn lộn, thời gian và tâm trí đâu để học trò tập trung cho giai đoạn nước rút, chuẩn bị vượt vũ môn. Đã có nhiều bạn chụp ảnh kỷ yếu, ảnh “tốt nghiệp”, cầm bằng cử nhân, nhưng rồi cuối cùng trượt tốt nghiệp thật sự, chỉ vì sao nhãng việc học hành.
Kỷ yếu là kỷ niệm, là điều không phải ai muốn cũng có được, đó là đặc ân của tuổi học trò, nhưng làm sao để trả về những giá trị tốt đẹp, những ý nghĩa trong sáng, giản dị, để tuổi học trò không vướng bận, không lãng phí, không nhố nhăng, để các bậc mẹ cha không đau đầu suy tính, đó là bài toán khó chưa có lời giải trọn vẹn.
Và, một mùa kỷ yếu nữa lại đến…!
Thạc sĩ -Nhà giáo Lê Đình Hiển
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tiêu đề và Sapo do tòa soạn đặt
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chup-anh-ky-yeu-luu-giu-ky-niem-tuoi-hoc-tro-hay-trao-luu-khoe-me-a608821.html