Biểu tượng của buôn làng
Tây Nguyên hùng vĩ nơi có những cánh rừng nguyên sinh trải dài vô tận. Đan xen trong những cánh rừng già là những mái nhà rông cao chót vót, sừng sững giữa đất trời.
Với đồng bào người Tây Nguyên, nhà rông là biểu tượng, là niềm kiêu hãnh được con cháu đời đời giữ gìn, phát huy qua bao thế hệ từ xa xưa cho đến hôm nay.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố theo năm tháng những mái nhà rông cổ kính dần bị bào mòn, xuống cấp. Để bảo tồn, giữ gìn nét văn hoá của dân tộc mình đồng bào người Tơ Đrá, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, chung tay lưu giữ để những mái nhà rông cổ kính được trường tồn theo năm tháng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh A Hơn, Trưởng thôn 4 cho biết, nhà rông là biểu tượng văn hóa là niềm kiêu hãnh của người Tơ Đrá. Bởi vậy, khi nhà rông của thôn xuống cấp trầm trọng, các bô lão trong làng rất trăn trở.
Năm 2019, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thôn được hỗ trợ 70 triệu đồng để làm mới nhà rông. Ngay lập tức Chi bộ thôn cũng ra nghị quyết và phối hợp với người dân thực hiện.
Tuy cuộc sống của nhân dân thôn 4 lúc đó còn khó khăn nhưng khi được vận động, 111 hộ dân, với 398 nhân khẩu trong thôn đều đồng tình hưởng ứng đóng góp 100 nghìn đồng/người.
Kết quả, sau gần 1 năm quyên góp, thôn đã thu được hơn 132 triệu đồng. Trong đó, người dân đóng góp 40 triệu đồng, xã hỗ trợ 70 triệu đồng và 22 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để xây nhà rông mới.
Cộng đồng chung tay lưu giữ nét văn hoá
“Để làm nhà rông mới, thôn đã họp dân, chọn địa điểm, thống nhất đề nghị xã hỗ trợ kinh phí, người dân bỏ ngày công khai thác nguyên vật liệu để làm. Sau khi UBND xã chấp nhận, ngay từ đầu năm 2019, thôn phân công thanh niên lên rừng chặt tre, nứa, phụ nữ cắt tranh, lá mây. Sẵn có một số cây gỗ của người dân trữ từ lâu, chuẩn bị đầy đủ vật liệu sau hơn 5 tháng tìm kiếm, đến giữa năm 2019 hoàn thành và đưa vào sử dụng”, anh A Hơn chia sẻ.
Còn tại thôn 5, nhận thấy nhà rông của thôn bị tốc mái, gỗ mục dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng. Mong muốn có chỗ cho bà con họp hành, tổ chức các lễ hội và các sự kiện trọng đại của cộng đồng, già làng, thôn trưởng họp dân, bàn giải pháp xây dựng nhà rông mới.
Nhà rông là biểu tượng văn hóa của dân tộc. Vì vậy, tập thể thôn luôn sẵn sàng đóng góp để xây dựng, sửa chữa và bảo vệ công trình.
Theo anh A Ngõa, Trưởng thôn 5, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng hơn 212 nhân khẩu đều đồng thuận đóng tiền làm nhà rông truyền thống.
Ngay cả các hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm nhưng vẫn đóng góp 200 nghìn đồng/người như các gia đình khác. Cuối năm 2021, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của anh Ngõa, thôn 5 đã thành lập nhiều tổ xây dựng thay phiên nhau tìm vật liệu suốt nhiều tháng.
Đầu tháng 3/2023, thôn đã khởi công dựng nhà rông mới và sẽ hoàn thành trước tháng 4/2023, tổng kinh phí dự tính là hơn 200 triệu đồng.
Anh A Ngõa nhớ lại: “Trước đây, chúng tôi bàn bạc để xây dựng nhà rông bê tông hóa, vật liệu hiện đại, bởi vì hiện nay vật liệu tự nhiên khá khan hiếm. Tuy nhiên, già làng và người dân trong thôn đều mong muốn xây dựng theo nguyên mẫu truyền thống. Tất cả nguyên vật liệu làm nhà rông đều bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá mây.
Bây giờ nguyên liệu tự nhiên khan hiếm nên góp nhặt mãi hơn 4 tháng mới đủ vật liệu làm nhà rông. Chọn được ngày tốt, bà con trong thôn mỗi người mỗi việc, chung tay góp sức làm trong 1 tháng sẽ hoàn thành nhà rông mới”.
Đứng cạnh nhà rông của thôn 5 đang được người dân dựng mới, già A Lika (70 tuổi) phấn khởi: “Năm trước nhà rông xập xệ, hư hỏng nghiêm trọng không thể tổ chức lễ hội, sinh hoạt trong nhà rông khiến ai nấy đều lo lắng. Nhưng chỉ hơn 2 tuần nữa thôi, nhà rông mới sắp được hoàn thành, rồi người dân lại có nhà văn hóa để hội, họp khiến tôi rất vui.
Khi có nhà rông mới, tôi chỉ mong mỗi lần thôn tổ chức lễ hội hoặc cúng mừng lúa mới, bà con đều tập trung về đây đông đủ. Bên cạnh đó, các thế hệ trẻ của thôn phải ý thức được việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Ông Đỗ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung thông tin, xã có 8 thôn, 698 hộ và 2731 nhân khẩu. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tất cả các thôn đều có nhà rông để sinh hoạt, hội họp.
Vì vậy, khi thấy một số nhà rông xuống cấp, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp với người dân để sửa chữa, làm mới nhà rông truyền thống. Đặc biệt, trên địa bàn, các thôn đều sử dụng vật liệu tự nhiên để xây dựng.
“Thời gian tới, xã tiếp tục rà soát những nhà rông xuống cấp và chỉ đạo các chi bộ triển khai vận động Nhân dân đóng góp sửa chữa, làm mới nhằm giúp bà con có nơi sinh hoạt, hội họp, gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình”, ông Đỗ Xuân Linh nhấn mạnh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chung-tay-gop-tien-cua-giu-gin-niem-kieu-hanh-cua-nguoi-tay-nguyen-a601990.html