Tại phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (VBF 2023) sáng 17/3, nhóm Công tác thuế và hải quan đã nêu vấn đề và quan về trụ cột 2 của chính sách thuế.
Đầu tháng 10/2021, 136 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chung về việc thực hiện chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) 2.0.
Trụ cột 2 của chính sách thuế mới này đã đưa ra giải pháp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhằm đảm bảo lợi nhuận của các công ty đa quốc gia phải nộp ở mức thuế suất tối thiểu 15% trong trường hợp các khoản lợi nhuận đó đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn, hoặc không chịu thuế.
Khi chính sách này được áp dụng dự kiến vào năm 2024, các công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư vào Việt Nam có thể phải nộp thuế bổ sung tại các nước khác liên quan đến hoạt động của các công ty con tại Việt Nam.
“Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trở nên không còn ý nghĩa”, đại diện nhóm Công tác thuế và hải quan nêu.
Ngoài ra, Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị ngày 20/8/2019 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch và đề ra nhiệm vụ quan trọng là cần xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao.
VBF đã có kiến nghị tại Công văn số VBF15122022 ngày 15/12/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh nêu trên, để đối phó với các bất lợi của việc áp dụng Trụ cột 2, tiếp tục thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án công nghệ cao lựa chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư của mình theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 50, Chính phủ/Bộ Tài chính Việt Nam cần xem xét các giải pháp để thúc đẩy việc nội luật hóa thuế suất tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và có các phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng.
Trả lời kiến nghị của Nhóm Công tác thuế và hải quan, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – đại diện Bộ Tài Chính cho biết các kiến nghị cụ thể về Trụ cột 2 của BEPS liên quan thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới và quan trọng với Việt Nam.
Bà Hằng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nội dung này. Sau khi Tổ công tác đặc biệt họp, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo và đề xuất kiến nghị.
“Trong năm qua, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã trình các cấp thẩm quyền phê duyệt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí… Từ nay đến năm 2027, Bộ Tài chính sẽ rà soát sửa đổi 10 luật thuế”, bà Hằng cho hay.
Riêng trong năm 2023 – 2024, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Luật sửa đổi bổ sung các Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các hiệp hội về Dự án sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế GTGT, đề nghị các hiệp hội quan tâm và đóng góp ý kiến tích cực.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chinh-sach-uu-dai-thue-thu-nhap-dn-cua-viet-nam-sap-khong-con-y-nghia-a598376.html