Sáng 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững.
Hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Các chỉ tiêu kinh tế: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Phát triển các vùng hài hòa, bền vững. Giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, phát huy.
Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng cacbon thấp; phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031 – 2050 đạt khoảng 6,5 – 7,5%/năm.
Quy hoạch nêu rõ việc phát triển 6 vùng kinh tế – xã hội, gồm:
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản. Xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng.
Vùng Đồng bằng sông Hồng: Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp. Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa – lịch sử. Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.
Vùng Tây Nguyên: Bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bôxit, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Vùng Đông Nam Bộ: Trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bên cạnh đó, phát triển 4 vùng động lực quốc gia: vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc – Nam và 2 hành lang kinh tế Đông – Tây là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Mộc Bài – Tp.HCM – Vũng Tàu.
Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn: Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 6 hành lang kinh tế Đông – Tây, bao gồm: Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội; Cầu Treo – Vũng Áng; Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng; Bờ Y – Pleiku – Quy Nhơn; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau….
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chinh-phu-cong-bo-va-trien-khai-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-a603955.html