Đẹp hay xấu, hãnh diện hay chẳng để tâm thì có lẽ đó không phải câu chuyện của những “chú gà nòi”. Điều đáng quan tâm hơn là giữ được hay không những chiếc lông vũ tự hào ấy.
Nhắc đến gà nòi, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chú kim kê được nuôi để đi… chọi. Và vì thế, lông vũ hình như hơi thừa. Cái cần ở đây là những chiếc cựa sắc nhọn, những cú đá trời giáng và những miếng đánh theo lối đá hầu hay đá vỉa. Còn những chiếc lông vũ sặc sỡ thì dường như dư thừa. Một chú gà có lông vũ đẹp thì thường chọi kém và ngược lại. Thế nhưng, giờ đây, người chơi gà lại thích có cả hai điều ấy.
Chuyện chú gà chọi cũng chẳng khác gì lối nghĩ của không ít người đang đảm nhiệm vai trò người nuôi “gà nòi” trong giáo dục. Có lẽ vì muốn khoác lên mình những chiếc lông vũ là thành tích, những bảng vàng trên các đấu trường mà người ta đang quên mất mục đích chính là bồi dưỡng tài năng để cống hiến cho đất nước. Và có lẽ, đó cũng là nguyên do của những bất cập, khiến không ít người thấy phản cảm và đã, đang kiến nghị xóa bỏ mô hình trường chuyên, lớp chọn.
Nói gì thì nói, nhìn một cách thực dụng thì nuôi gà nòi là để… đi chọi! Có điều, những chú gà nòi ấy được mang đi chọi với mục đích thi đấu hay là để phục vụ những canh bạc sấp ngửa thì lại là những câu chuyện khác. Hẳn có rất ít người khi nghĩ đến những màn đá gà, cho rằng đó chỉ đơn thuần là mua vui. Còn lại, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đầy rẫy thông tin về sới gà núp bóng bị bắt do phục vụ cho những canh trắng-đen bạc tỷ.
Trong giáo dục cũng vậy, trường chuyên lớp chọn trước hết phải khẳng định đó là mô hình hay, cần được gìn giữ. Đây sẽ là cái nôi đào tạo ra những tài năng tương lai cho đất nước. Người ta cũng đặt vào đó kỳ vọng sẽ là nơi sản sinh ra những nhà trí thức tầm cỡ của quốc gia, dân tộc. Chỉ có điều, các trường chuyên lớp chọn, phải tìm đúng “sới” để mà chơi. Hay nói khác đi, là cần xác định mục đích chính của mình chứ không phải là nuôi gà nòi để đi “chọi” mấy cuộc thi học sinh giỏi.
Đây cũng là điều cần thiết, khi mà các trường chuyên, lớp chọn đang là nơi tập hợp các em học sinh được coi là tinh hoa của giáo dục. Việc bồi dưỡng, tổ chức cho các em đi thi ở các đấu trường khoa học châu lục, quốc tế không chỉ để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của học sinh mà còn là thể diện đất nước trên trường quốc tế. Mỗi tấm huy chương được đeo trước ngực, mỗi khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng được bay cao, quốc thiều Việt Nam được cử lên trang trọng trước bạn bè năm châu đó là niềm kiêu hãnh của dân tộc.
Thế nhưng, nói đi, cũng phải nói lại. Hệ thống trường chuyên, lớp chọn không phải là nơi chỉ để tập hợp học sinh giỏi chăm chăm đi thi. Đó trước hết và mục tiêu số một phải là cái nôi đào tạo những tài năng tương lai để góp phần cống hiến trí tuệ xây dựng Tổ quốc. Chỉ tiếc là, thời gian qua, việc chảy máu chất xám ra nước ngoài vẫn chưa dừng lại. Nhiều học sinh thực sự tài năng được đào tạo bài bản, hưởng các chế độ ưu đãi trong giáo dục, cuối cùng ở độ “chín”, các em lại lựa chọn ra nước ngoài để tu nghiệp. Đó là điều đáng tiếc, khi chính cái nôi đào tạo “gà nòi” lại không giữ được nhân tài cống hiến cho đất nước mình.
Đã đến lúc nhìn nhận một cách nghiêm túc về mục đích và sứ mệnh tồn tại của hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Đây nhất định không phải chỉ là cái “lò” nuôi “gà nòi” chỉ để đi thi đấu để giành thành tích, để phô trương những chiếc “lông vũ” nhiều màu cho đẹp mặt. Và cũng không phải là nơi để trang hoàng cho lý lịch học tập của con cháu một bộ phận không ít người “có điều kiện” trong xã hội. Trước tiên và cao nhất, đây phải là môi trường bồi dưỡng những tài năng trở thành trí trức của quốc gia, dân tộc.
Cũng không thể nói, cần phải xóa bỏ hệ thống trường lớp này bởi sợ đây trở thành những môi trường trọng thành tích. Thậm chí, có người viện dẫn cần xóa bỏ bởi các em học sinh trường chuyên lớp chọn ở phổ thông sẽ chưa thể quyết định tương lai của mình để tiếp tục rèn giũa tài năng. Nhìn vào lịch sử, 13 tuổi (chỉ tương đương với bậc học THCS bây giờ), Nguyễn Hiền đã trở thành Trạng nguyên để cống hiến cho nước nhà. Vậy thì, chẳng có lý do gì để nói các em học sinh bậc học THPT ở trường chuyên, lớp chọn sẽ ít khi tiếp bước được trên con đường tài năng mà các em đã chọn.
Trường chuyên nên tồn tại, lớp chọn nên được tổ chức. Song, cần xác định lại mục đích, cách thức quản lý và chương trình đào tạo. Từ đó, những chú “gà nòi” trưởng thành từ môi trường này không chỉ có một bộ “lông vũ” đẹp là những thành tích học tập, thi cử mà còn sử dụng được những mánh đòn sắc bén trong lĩnh vực chuyên sâu để trở thành những lao động bậc cao cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!
Điều đó có lẽ mới là chân lý của việc nuôi dưỡng “gà nòi”!
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chiec-long-vu-cua-nhung-chu-ga-noi-a479633.html