“Chia tay đòi quà”
Ngày 16/2, TAND Tp.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp mở phiên sơ thẩm, xét xử vụ ly hôn giữa ông P.T.H. (sinh năm 1973) và bà C.T.T.M. (sinh năm 1982, cùng ngụ Tp.Cao Lãnh).
Theo nội dung mà bà M. trình bày, năm 2017, bà và ông H. thành chồng vợ và có đăng ký kết hôn. Đến năm 2018, bà M. sinh cho ông H. một bé gái. Thời gian đầu, vợ chồng sống hạnh phúc, nhưng gần đây cả hai không đồng quan điểm, thường xuyên cự cãi, mâu thuẫn kéo dài. Bà M. cho rằng ông H. hay dọa và đánh đập.
Quá hoang mang, bà M. đã dọn đi thuê trọ ở riêng cùng con gái nhỏ. Kể từ đó, bà M. liên tục nhận được nhiều tin nhắn từ ông H. với nội dung khiếm nhã, đe dọa. Trong khi đó, ông H. từng là Trưởng Công an một xã thuộc Tp.Cao Lãnh, và hiện đang là cán bộ của xã này. Từ đó, bà M. nhiều lần đề nghị ông H. ly hôn để giải thoát cho cả hai.
Ông H. thừa nhận có nhắn tin dọa vợ là vì tức giận khi vợ đi làm về muộn, không chăm lo con nhỏ, chứ không có ý gì khác.
Về số vàng cưới 13 chỉ vàng mà gia đình chồng cho bà M., ông H. yêu cầu đòi lại một nửa số tài sản này. Tuy nhiên, bà M. không đồng ý vì cho rằng giá vàng trước đó và giá vàng hiện só sự chênh lệch cao. Đồng thời, bà M. cho biết, số vàng cưới này đã bán hết để chữa bệnh, lo công việc trước đó.
Có dấu hiệu bạo lực gia đình
Trong phần xét hỏi, sau khi được HĐXX giải thích và động viên, ông H. bất ngờ thay đổi việc mình “đòi quà” và đồng ý cho bà M. số vàng cưới nêu trên. Tuy nhiên, ông H. giữ nguyên yêu cầu chia tài sản chung là phần đất 100 m2 ở xã Mỹ Tân (Tp.Cao Lãnh), với tổng giá trị được định giá hơn 1,2 tỷ đồng. Ông H. yêu cầu nhận đất và sẽ trả lại một nửa phần tài sản bằng tiền cho bà M….
Về phần bà M., bà không chấp nhận việc ông H. yêu cầu chia tài sản chung là phần đất 100 m2. Bởi, bà M. cho rằng tài sản này được mua bằng tiền riêng của bà. Còn vàng cưới và tiền gửi ngân hàng hiện nay đã hết…
Bà M. cũng cho biết, với mức lương 20 triệu đồng/tháng nên đủ khả năng nuôi con nhỏ sau ly hôn. Từ đó, bà M. tha thiết mong muốn HĐXX xem xét được quyền được nuôi con.
Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Thành Phú – Đoàn luật sư Tp.HCM, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà M. nêu quan điểm, từ những diễn biến nêu trên cho thấy, ông H. có dấu hiệu bạo lực gia đình. Mặt khác, con chung giữa bà và ông H. còn nhỏ và là bé gái nên cần được sự chăm sóc của mẹ nhằm phát triển về tâm sinh lý sau này là phù hợp nhất.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông H. cũng đưa ra nhiều lập luận yêu cầu HĐXX xem xét chia một nửa tài sản chung cho ông H.. Luật sư này cũng cho rằng, việc bé gái còn nhỏ nên cần sự chăm sóc từ 2 sẽ tốt hơn…
Chiều cùng ngày, HĐXX TAND Tp.Cao Lãnh cho tạm dừng để bổ sung một số chứng cứ liên quan để làm sáng tỏ vụ việc. Phiên xét xử sẽ mở lại vào ngày 23/2 tới.
TAND Tp.Cao Lãnh lạm quyền?
Để tham dự đưa tin phiên tòa này, phóng viên Người Đưa Tin đã đến TAND Tp.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) từ rất sớm để đăng ký. Ngoài việc xuất trình thẻ Nhà báo theo quy định, thẩm phán còn yêu cầu phóng viên viết giấy yêu cầu, ghi rõ nội dung tác nghiệp là chụp ảnh, đưa tin. Trong khi đó, nội quy phiên tòa của TAND Tối cao được treo trong phòng xét xử không quy định về điều này.
Cụ thể, tại Điều 4 về hoạt động báo chí tại tòa, nêu rõ: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ Nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa, hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa; tuân thủ các quy định của pháp luật về nội dung phòng xử án”.
Như vậy, TAND Tp.Cao Lãnh có lạm quyền, gây khó khăn trong việc trong việc tác nghiệp của phóng viên Nhà báo?
Thanh Lâm
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chia-tay-doi-qua-cuoi-vo-chong-dat-nhau-ra-toa-a593991.html