Tào Tháo tự là Mạnh Đức, còn gọi Tào A Man, người huyện Bạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ông sinh năm 155, mất năm 220. Tác giả Tam quốc chí Trần Thọ gọi ông là “con người phi thường, kiệt nhân xuất thế”.
Ông là người có công thống nhất miền Bắc Trung Quốc, đồng thời thực hiện hàng loạt chính sách phục hồi sản xuất kinh tế và trật tự xã hội, đặt nền móng cho việc lập ra chính quyền Tào Ngụy.
Một trong những ưu điểm của Tào Tháo là biết nhìn người và rất biết cách dùng người. Trong quá trình chinh chiến, ông đã thu phục được nhiều hào kiệt, cả văn lẫn võ, làm người hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển cơ nghiệp của mình. Ngoài ra, Tào Tháo cũng rất giỏi trong việc ly gián chia rẽ đối thủ.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, sau khi Lưu Bị tiếp quản Từ Châu, nhận chức Từ Châu mục thay cho Đào Khiêm. Năm 195, Lã Bố thất bại trong cuộc giao tranh với Tào Tháo ở Duyện Châu, đến nương nhờ Lưu Bị.
Mọi người khuyên Lưu Bị không nên cho Lã Bố nương nhờ. Tuy nhiên, dù biết Lã Bố là người hay phản trác, nhưng Lưu Bị cũng không phải là người không biết đạo nghĩa bởi trước đó nếu không có Lã Bố đánh úp Duyện Châu của Tào Tháo thì Từ Châu chưa chắc đã được bình yên. Bây giờ Lã Bố thất thế nương nhờ, nếu họ Lưu không giúp thì không đúng với đạo nghĩa… Cuối cùng Lưu Bị cho Lã Bố nương nhờ đóng quân ở Tiểu Bái, một quận thuộc về Dự Châu nhưng nằm trong tay người cai quản của Từ Châu từ thời Đào Khiêm.
Biết Lã Bố và Lưu Bị nếu liên minh với nhau sẽ khó khống chế, nên Tào Tháo rất lo lắng. Lúc này Tào Tháo đã đón được Hán Hiến Đế về Hứa Xương, có danh nghĩa thiên tử để sai khiến chư hầu, bắt đầu thao túng triều đình nhà Hán.
Để chia rẽ Lã Bố và Lưu Bị, Tào Tháo nhân danh Hiến Đế phong chức cho Lưu Bị. Lưu Bị đã không ngần ngại và tiếp nhận. Lã Bố thấy Lưu Bị hợp tác với Tào Tháo, sợ hai bên liên kết đối phó với mình nên bắt đầu lo sợ. Đúng lúc quân phiệt Viên Thuật ở Dương Châu mang quân tấn công Từ Châu. Lưu Bị mang quân ra chống cự ở Hoài Âm. Viên Thuật viết thư cho Lã Bố, giục ông đánh úp chiếm Từ châu thì sẽ tạ ơn bằng 20 vạn hộc lương. Lã Bố liền nghe theo.
Như vậy, Tào Tháo đã thành công trong việc chia rẽ mối quan hệ giữa Lã Bố và Lưu Bị. Mặc dù Tào Tháo sau này đã đối mặt với nhiều đối thủ khác nhau, nhưng kỹ năng chia rẽ và xử lý các mối quan hệ luôn là một trong những điểm mạnh của ông.
Quốc Tiệp (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chi-voi-mot-ke-nho-tao-thao-da-chia-re-duoc-la-bo-va-luu-bi-a606520.html