H&M, Uniqlo,… đã ngay lập tức tái khởi động khi liên tục hiện diện ở các trung tâm thương mại. Sự nhộn nhịp của các ông lớn thời trang ngoại khiến nhiều người đặt dấu hỏi về việc thương hiệu Việt bắt nhịp ra sao, phải chăng chúng ta đang bị thất thế trên sân nhà? Để tìm câu trả lời, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với CEO Nguyễn Lê Vũ Linh- người đang phát triển thương hiệu thời trang riêng.
Người Đưa Tin: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng dệt may đạt 40,3 tỷ USD. Thế nhưng, nếu dạo quanh một vòng ở Hà Nội hay Tp.Hồ Chí Minh, chúng ta thấy thực trạng H&M, Uniqlo, Zara,… phủ sóng ở các trung tâm thương mại. Phải chăng ở thị trường nội địa, thời trang Việt đang bị thất thế?
Ông Nguyễn Lê Vũ Linh: Nếu chỉ nhìn vào các trung tâm thương mại thì nhận định này không sai, các thương hiệu thời trang thế giới có vẻ như đang lấn lướt thương hiệu Việt. Tuy nhiên, câu chuyện thời trang ở thị trường Việt Nam không chỉ nằm ở những trung tâm thương mại tại các thành phố lớn. Tôi không so sánh về chuyện doanh thu mà chỉ muốn nói đến giá trị của thương hiệu và có thể tự tin nói rằng thương hiệu Việt không hề bị thất thế trên sân nhà.
Đối với thị trường Việt Nam, H&M hay Zara có một cái vị trí nhất định trong tâm trí của người Việt. Bởi, đây là những thương hiệu thời trang đã xuất hiện được một thời gian tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thương hiệu Việt đang ngày càng lớn mạnh và đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng người tiêu dùng Việt.
Nhiều thương hiệu Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu thời trang đến từ nước ngoài cả về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Khi đặt sản phẩm của thương hiệu ngoại và những thương hiệu thời trang lớn của Việt Nam, chúng ta có thể thấy chất lượng sản phẩm không hề thua kém. Thậm chí, các thương hiệu Việt còn nhỉnh hơn về mẫu mã.
Người Đưa Tin: Vậy, theo anh đâu là điểm mạnh của thương hiệu Việt so với các ông lớn thời trang nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Lê Vũ Linh: Lợi thế đầu tiên có thể nhìn rõ nhất chính là độ phủ của mạng lưới cửa hàng. Các thương hiệu ngoại như H&M, Zara hay Uniqlo thường gói gọn trong các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh… Họ hầu như không đến những thành phố nhỏ, các tỉnh hay huyện. Trong khi đó, các thương hiệu Việt lại có mạng lưới cửa hàng đến tận các huyện. Mạng lưới phân phối rộng và phủ khắp giúp các thương hiệu Việt đến với khách hàng nhiều hơn, đến với khách hàng gần hơn. Như vậy, chúng ta đang đánh điểm rất tốt, đi nhanh hơn trong việc mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Thứ 2, nếu so sánh với các thương hiệu nước ngoài có hệ thống trên nhiều quốc gia, bộ máy vận hành của doanh nghiệp Việt nhỏ gọn hơn, điều này giúp chúng ta ứng biến nhanh hơn với xu thế thị trường và nhu cầu khách hàng tại Việt Nam.
Thứ 3 là sự am hiểu sâu về đặc tính của khách hàng Việt. Với các thương hiệu Việt Nam, tệp khách hàng chính là người Việt Nam. Thế nên, việc thu thập dữ liệu liên quan đến khách hàng sẽ nhanh hơn, sát với thực tế hơn.
Một lợi thế khác chính là sự đạ dang về kiểu dáng của doanh nghiệp Việt. Sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài thường khá đơn giản về kiểu dáng, trong khi nhu cầu của khách hàng Việt lại cần nhiều hơn thế. Nếu nói về sự đa dạng thì thương hiệu Việt đang làm tốt hơn. Với cá nhân tôi, đó là một lợi thế rất rõ ràng.
Người Đưa Tin: Với 3 lợi thế anh vừa đề cập, thương hiệu Việt cần làm gì để biến lợi thế thành giá trị?
Ông Nguyễn Lê Vũ Linh: Tôi cho rằng cái gì chúng ta đang làm tốt thì cần phát huy. Khi thương hiệu ngoại tập trung ở những thành phố lớn thì việc đánh điểm ở các tỉnh, huyện sẽ là cơ hội của chúng ta. Chúng ta đã làm tốt rồi, giờ cần đẩy mạnh hơn nữa, bằng cách quảng bá tốt hơn về thương hiệu, mở rộng mạng lưới nhanh hơn để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.
Người Đưa Tin: Thế nhưng, có một điểm yếu mà các doanh nghiệp Việt đã đối diện từ khá lâu và vẫn chưa thể khắc phục chính là thiếu nguyên phụ liệu. Từ dây kéo đến hạt đá đính, chúng ta đều phải nhập từ nước ngoài, điều này khiến thời trang Việt mất nhiều lợi thế khi cạnh tranh, đặc biệt là về giá?
Ông Nguyễn Lê Vũ Linh: Đúng là nguồn cung về nguyên phụ liệu tại Việt Nam rất hạn chế nên phải nhập rất nhiều từ nước ngoài. Chúng ta không thể giải quyết nó một sớm một chiều mà cần thời gian để bù vào khoảng trống đang tồn tại.
Các doanh nghiệp Việt đều nhận ra vấn đề này và đang từng bước khắc phục. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động nhập máy móc, cải tiến về kỹ thuật để hạn chế việc phải nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Trong câu hỏi này, chị có đề cập đến giá cả, đúng là đầu vào tăng thì đầu ra buộc phải tăng lên. Đó cũng là một bất lợi nhưng không phải là điều cốt yếu trong việc tạo lợi thế cạnh tranh. Với các sản phẩm thời trang, khách hàng đích sẽ tác động rất nhiều đến định hướng kinh doanh của một doanh nghiệp.
Người Đưa Tin: Chúng ta đã có một năm 2022 khá thuận lợi với một số lĩnh vực nhưng năm 2023 có thể sẽ không được như vậy. “Mùa đông kinh tế thế giới 2023” là cụm từ đã được nhắc đến. Với những khó khăn rất hiện hữu như căng thẳng Nga – Ukraina, bài toán xăng dầu chưa có lời giải, lạm phát tăng cao ở nhiều nước. Thị trường thời trang Việt sẽ như thế nào và các doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khó khăn hiện hữu?
Ông Nguyễn Lê Vũ Linh: Câu chuyện của lạm phát, suy thoái kinh tế đã rất rõ ràng, vì vậy năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Để vượt qua “mùa đông kinh tế thế giới 2023”, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách thức khác nhau. Nhưng, dù là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nào thì dòng tiền vẫn sẽ đóng vài trò vô cùng quan trọng, nó giống như mạch máu trong cơ thể của chúng ta. Chúng ta không thể để mất máu nên phải tìm mọi cách để cầm.
Năm 2023 sẽ khiến các doanh nghiệp đối diện với nhiều vấn đề nhưng cũng thêm một lần nữa thử lửa với doanh nghiệp.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
LÊ ANH (Thực hiện)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ceo-nguyen-le-vu-linh-de-thoi-trang-viet-khong-thua-o-san-nha-a582091.html