Tại Việt Nam, quả cau vốn là món ăn ưa thích của các bà, các cụ, hoặc được sử dụng vào việc thờ cúng, cưới hỏi. Tuy nhiên những năm gần đây, thị trường Trung Quốc thường xuyên thu mua cau để chế biến đồ ăn vặt, nhất là cau non. Hiện, giá mỗi kilogram cau non được thương lái trả đến 26.000 đồng/kg.
Theo các nhà vườn, cau non sau khi mua về, người ta thường lựa những trái đạt chất lượng (hạt nhỏ hoặc không có hạt) luộc ở nước sôi, rồi sấy khô đóng vào bao chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo.
Loại kẹo cau này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được người dân Trung Quốc ưa chuộng.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cau non được thương lái thu mua ồ ạt. Hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua cau non với giá cao đã diễn ra từ nhiều năm trước ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên.
Cụ thể, thời điểm tháng 9, tháng 8/2021, giá cau tươi tại nhiều địa phương tại Bình Định, Quảng Ngãi,… tăng chóng mặt, nhiều nơi đạt 50.000 – 60.000 đồng/kg. Thậm chí, 1 tạ cau có thể mua được 1 chỉ vàng.
Thời điểm giữa tháng 9/2022, giá cau tươi lên hơn 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tháng 11/2022, giá thu mua quả cau tươi ngoài thị trường tụt giảm thê thảm, dao động từ 5.000 – 9.000 đồng/kg, thậm chí nhiều chủ lò còn ngường thu mua.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), những ngày đầu năm 2023, thị trường Trung Quốc bắt đầu tăng mua cau non trở lại có thể do nhu cầu tiêu thụ quả này tăng đột biến nhưng rất có thể chỉ mang tính đột biến và nhất thời chứ không theo quy luật thị trường như các nông sản xuất khẩu khác.
Do đó đại diện Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân không nên ham giá tốt mà trồng ồ ạt, vì điều này có thể dẫn đến khủng hoảng thừa. Theo ông Cường, các thương lái Trung Quốc đến thu mua cau hoàn toàn theo đường tiểu ngạch.
“Cây cau không phải là cây trồng chính, nông sản chủ lực. Việt Nam không có quy hoạch trồng cau nên cơ quan chức năng rất khó quản lý. Do vậy, người dân cần cân nhắc, tính toán kỹ trước khi trồng loại cây này, bởi đây cũng là loại cây có thời gian phát triển kéo dài từ 3 – 5 năm mới có thể cho thu hoạch…”, ông Nguyễn Như Cường cho biết.
Theo tìm hiểu, Cục Trồng trọt không quy hoạch trồng cau bởi đây không phải là cây lương thực chủ lực của Việt Nam. “Cây cau không phải là cây trồng, nông sản chính như lúa gạo, trái cây, rau tươi… nên nhu cầu tiêu thụ ở trong nước rất ít. Đây không phải là loại cây chủ lực nên Cục Trồng trọt, thậm chí kể cả chính quyền các địa phương cũng không nắm chính xác được có bao nhiêu diện tích”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng dẫn lại những hệ luỵ đã từng xảy ra từ việc phát triển ồ ạt khiến giá cả lên xuống thất thường.
“Chúng ta đã có quá nhiều bài học về việc phá bỏ cây này, trồng cây kia khi giá lên cao và không theo định hướng, không có thị trường ổn định. Rồi khi không bán được, không có người thu mua thì người dân lại lao đao. Vì thế người dân đừng có rộn ràng khi thấy giá cau non cao tăng một cách ồ ạt mà vội vàng phá bỏ loại cây khác để trồng cau. Bởi cứ phá cây này trồng cây kia rồi đến khi thương lái không mua nữa thì cơ quan chức năng không can thiệp được vì đây là hành động tự phát”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, nếu muốn phát triển cây cau thì chính quyền địa phương phải có định hướng, phải trồng ở những vùng có lợi thế và phải đầu tư bài bản chứ đừng thấy giá cau đắt là chỗ nào cũng trồng. Như thế sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. Bên cạnh đó, phải có ký kết thu mua của các doanh nghiệp của Trung Quốc chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái, tiểu thương theo đường tiểu ngạch.
“Cục không quy hoạch trồng cau, bởi đây không phải là cây lương thực chủ lực của Việt Nam. Do vậy, chính quyền địa phương cần vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu rõ những tác động của việc trồng, phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch.”, ông Cường nói thêm.
Cũng theo ông Cường, Cục Trồng trọt chỉ định hướng chung, trong đó tập trung vào những loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, sầu riêng, lúa nước…Về phát triển cây trồng, Cục Trồng trọt chỉ ban hành những quy trình kỹ thuật tốt nhất, hướng dẫn địa phương quản lý giống chứ không làm kế hoạch phát triển.
Trên thực tế, đã rất nhiều lần người nông dân điêu đứng vì trồng cây ồ ạt theo phong trào khi thấy thương lái Trung Quốc tăng thu mua. Gần đây nhất, đầu năm 2022, ở nhiều tỉnh miền Tây diễn ra hiện tượng thanh long nghịch vụ (còn gọi là thanh long xông đèn) ế đầy đồng khi thương lái đột ngột dừng mua. Không ít thương lái nhỏ cũng bị thiệt hại số tiền đã đặt cọc trước đó, nhưng không thể yêu cầu các thương lái Trung Quốc bồi thường vì tất cả các giao dịch đặt cọc đều không rõ ràng, không có văn bản hay hợp đồng cụ thể.
Hiện trái cau tươi được trồng ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại miền Bắc, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là vựa cau nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cau được trồng nhiều tại Quảng Ngãi. Tại miền Tây, cây cau được nông dân trồng xen trong vườn trái cây nhằm tận dụng đất thừa.
Minh Hoa (t/h theo Kinh tế & Đô thị, VTC, Công Thương)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cau-non-duoc-thu-mua-voi-gia-cao-co-quan-quan-ly-khuyen-cao-gi-a592801.html