Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Bắc Kinh sáng 18/6 với nhiệm vụ hàn gắn mối quan hệ Mỹ – Trung, vốn đã bị rạn nứt trong những năm qua.
Blinken sẽ là ngoại trưởng đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018, do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19 của Bắc Kinh, nhưng cũng phản ánh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Chuyến đi của ông dự kiến diễn ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy vào tháng 2, sau khi một khinh khí cầu được cho là gián điệp của Trung Quốc đi qua các địa điểm quân sự nhạy cảm của Mỹ và bị nước này bắn hạ.
Trọng tâm chuyến đi
Ông Blinken là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Trung Quốc từ năm 2019, và là ngoại trưởng đầu tiên của nước này sang quốc gia châu Á kể từ năm 2018, sau chuyến đi của ông Mike Pompeo tới đây vào năm 2018.
Trọng tâm chính trong chuyến đi của ông Blinken sẽ là việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao cấp cao, đặc biệt là thiết lập các kênh liên lạc để “giải quyết những nhận thức sai lầm và ngăn chặn những tính toán sai lầm”, đồng thời đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai đối thủ siêu cường không biến thành xung đột, theo ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương.
Ông Blinken cũng có kế hoạch thảo luận với các quan chức Trung Quốc về các vấn đề song phương đáng quan tâm, các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như khả năng hợp tác để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia chung, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất đối với Trung Quốc trong cuộc gặp gỡ vị quan chức Mỹ là Đài Loan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đã mô tả Đài Loan là “trung tâm của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bằng cách viện trợ quân sự cho khu vực này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có khả năng bày tỏ sự thất vọng sâu sắc đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chip bán dẫn và thiết bị sản xuất tiên tiến. Những hạn chế mà Mỹ cho rằng cần thiết để ngăn công nghệ Mỹ lọt vào tay quân đội Trung Quốc có thể cản trở sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong nhiều năm. Trung Quốc coi lệnh cấm này là một ví dụ về cạnh tranh “kẻ thắng, người thua”, đẩy hai nước vào tình thế phải đối đầu nhau.
Ngoài ra, Bắc Kinh được cho là sẽ cáo buộc Washington làm căng thẳng tình hình bằng cách thắt chặt quan hệ an ninh với các cường quốc khu vực bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia và Ấn Độ.
Trung Quốc muốn Mỹ đối xử với mình như một cường quốc ngang hàng để họ có tiếng nói bình đẳng trên trường quốc tế và không cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.
Lời nhắn nhủ
Ông Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc như ngoại trưởng Tần Cương hoặc nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông có gặp ông Chủ tịch Tập Cận Bình hay không.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo ra những chi tiết cuối cùng về lịch trình của ông Blinken và chưa có xác nhận về cuộc gặp giữa hai người. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách các cuộc họp diễn ra vào ngày 18-19/6.
Ông Blinken đã gặp ông Tập nhiều lần trước đây kể từ năm 2011, khi ông tới Bắc Kinh và Thành Đô với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia cho ông Joe Biden, người lúc đó còn là phó tổng thống và được giao nhiệm vụ đến Trung Quốc để làm quen với ông Tập.
Theo ông Dennis Wilder, một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc từng làm việc cho CIA, nếu ông Tập từ chối gặp ông Blinken, đây sẽ là một “tín hiệu mạnh mẽ” cho thấy Bắc Kinh vẫn lo ngại về các động thái của Mỹ nhằm “giảm thiểu rủi ro” cho nền kinh tế của họ trước Trung Quốc, bao gồm cả việc hạn chế sự phát triển công nghệ tiên tiến của nước này.
Một học giả Trung Quốc cho biết, chuyến đi của Blinken sẽ chỉ được đánh giá là thành công nếu ông gặp Tập, đồng thời nói thêm rằng sẽ là một sự “hắt hủi” nếu chỉ gặp ông Tần hoặc ông Vương.
Ngay trước khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận rằng ông Blinken sẽ tới thăm Trung Quốc, ông Tần Cương đã có một cuộc điện đàm với ông Blinken.
Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng cuộc điện đàm là lời nhắc nhở đối với phía Mỹ rằng nếu nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đến Trung Quốc mà không có sự chân thành hoặc tiếp tục gây áp lực buộc Trung Quốc phải đạt được mục tiêu của chính Washington, thì chuyến thăm sẽ trở nên vô nghĩa.
Phía Mỹ đã gửi tín hiệu mong muốn hàn gắn mối quan hệ song phương trong những ngày gần đây. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 13/6 cũng phát biểu trước Hạ viện Mỹ rằng lợi ích tốt nhất của quốc gia này là duy trì quan hệ với Trung Quốc. Bà cũng khẳng định rằng “sẽ là thảm họa đối với chúng ta nếu cố gắng tách khỏi Trung Quốc”.
Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, Global Times, Financial Times, Al Jazeera)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cau-hoi-con-bo-ngo-trong-chuyen-tham-trung-quoc-cua-ngoai-truong-my-a613119.html