noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhCầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương......

    Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương… cho qua chứ giờ sao?

    Chứng kiến nhiều xe ben tải trọng lớn liên tục đi qua cầu 10 tấn, người dân đã nhiều lần chặn xe và phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

    Bị dân chặn đường, xe tải trọng lớn vẫn đi qua cầu nhỏ

    Thời gian gần đây, nhiều người dân tại buôn Niêng 2 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk không khỏi bức xúc trước tình trạng nhiều xe ben tải trọng lớn nối đuôi nhau chở đá qua cầu Buôn Niêng 2 có biển giới hạn tải trọng 10 tấn.

    Theo người dân địa phương, cầu Buôn Niêng 2 (thuộc địa phận buôn Niêng 2, xã Ea Nuôl) cách Tỉnh lộ 1 chưa đầy 1km, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho rất nhiều người dân địa phương.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao?

    Cầu Buôn Niêng 2 có biển giới hạn tải trọng 10 tấn.

    Đáng nói, trước khi có cầu Buôn Niêng 2, tại khu vực này có một cầu xi măng do chủ mỏ đá cũ làm bắc qua suối Ea Nuôl để phục vụ cho việc vận chuyển đá. Do đó, người dân địa phương đều tận dụng cầu xi măng này để đi lại, sản xuất vào mùa khô. Thế nhưng, vào mùa mưa, cầu bị chìm ngập trong dòng nước khiến cho mọi hoạt động giao thương, buôn bán, đi lại của người dân nơi đây rơi vào bế tắc.

    Bà Bùi Thị Oanh (SN 1970, trú tại buôn Niêng 2, xã Ea Nuôl) lý giải: “Vào mùa mưa lũ, cây cối và rác liên tục ùn tắc nên cầu xi măng do chủ mỏ đá cũ làm thường xuyên bị ngập nước. Hơn nữa, nước suối chảy xiết nên người dân chỉ biết đứng nhìn chứ không dám đi qua. Đây cũng là lý do khiến người dân phải mua cá khô về dự trữ để ăn dần vào mùa mưa.

    Khốn khổ hơn, khi các cháu nhỏ bị đau ốm nhưng bố mẹ chỉ biết gọi điện nhờ người thân bên kia suối đi mua thuốc rồi cột vào đá ném qua. Tuy nhiên, nhiều khi thuốc không ném được qua bên này mà rơi xuống suối và theo dòng nước chảy đi. Thậm chí, vào khoảng 2014-2015, con trai út của tôi đi thi tốt nghiệp lớp 12, gia đình phải huy động mọi người cột dây thừng vào gốc cây ở hai bên suối. Sau đó, con tôi đu theo dây qua bên kia rồi mới mặc quần áo đi thi tốt nghiệp” – bà Oanh nhớ lại.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 2).

    Trụ hành lang cầu đường và cột báo mực nước tại cầu Buôn Niêng 2 bị ngã đổ, hư hỏng.

    Trước nhu cầu đi lại cấp thiết nói trên, cách đây khoảng 3 năm, cầu Buôn Niêng 2 được Nhà nước đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của bà con nhân dân địa phương. “Khi có cây cầu Buôn Niêng 2, người dân vui mừng lắm, thậm chí còn mổ heo ăn mừng và bảo ban nhau giữ gìn cầu để thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất” – bà Oanh nói.

    Thế nhưng, cách đây khoảng hơn 2 tháng, xe ben 4 chân tải trọng lớn chở máy móc vào mỏ đá tại buôn Niêng 2, khi qua cầu Buôn Niêng 2 làm ngã các trụ hành lang cầu đường và cột báo mực nước.

    “Cầu Buôn Niêng 2 chỉ giới hạn tải trọng 10 tấn. Trong khi, chiếc xe ben khi chưa chở hàng đã có tải trọng hơn chục tấn và quá tải trọng của cầu. Chưa kể, máy móc trên chiếc xe vào thời điểm đó cũng có tải trọng hàng chục tấn” – người dân chia sẻ.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 3).

    Nhiều trụ hành lang trên cầu bị hư hỏng.

    Trước thực trạng trên, người dân địa phương không khỏi bất an, lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn sập cầu. Do đó, ngay lập tức, nhiều người dân tại buôn Niêng 2 đã ra chặn lại, không cho xe ben chở máy móc đi qua cầu vào mỏ đá. Đồng thời, báo cho lãnh đạo thôn, Công an xã Ea Nuôl.

    “Khi bị người dân chặn xe, chủ mỏ đá đã viết giấy cam kết là không tái phạm nữa, chờ khi họp dân xong, người dân cho phép thì mới tiếp tục chở các máy móc, thiết bị vào mỏ đá. Thế nhưng, ngay sáng hôm sau, khi chưa kịp họp dân thì nhiều xe tải trọng lớn lại tiếp tục chở máy móc vào mỏ để phục vụ việc khai thác, chế biến đá. Đồng thời, sau đó, các phương tiện liên tục chở đá từ mỏ ra ngoài. Khi người dân tiếp tục ra chặn xe thì họ nói, xã cho đi và nếu hư hỏng cầu thì họ chịu trách nhiệm khắc phục, sửa chữa. Chính vì vậy, từ đó đến nay, cầu dân sinh 10 tấn liên phải oằn mình “cõng” những chiếc xe tải trọng “khủng”” – một người dân buôn Niêng 2 bức xúc. 

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 4).

    Một cọc tiêu trên cầu bị ngã, vỡ nát.

    Theo thông tin từ người dân, vào tối 18/5, biển giới hạn tải trọng 10 tấn tại cầu Buôn Niêng 2 bất ngờ bị xịt sơn đen ngòm, không còn thấy chữ nữa.

    Ông Y Mleng Êban, Buôn trưởng buôn Niêng 2 cho biết, bên trong cầu Buôn Niêng 2, có khoảng 20 hộ dân sinh sống cố định và rất nhiều hộ ở nơi khác đến đây sản xuất, làm nương rẫy.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 5).

    Biển báo giới hạn tải trọng 10 tấn tại cầu Buôn Niêng 2 bất ngờ bị xịt sơn đen ngòm.

    Chính quyền địa phương nói gì?

    Từ những phản ánh của người dân, những ngày qua, PV Người Đưa Tin đã có mặt tại cầu Buôn Niêng 2 để ghi nhận thực tế. Qua đó, ghi nhận nhiều xe ben 4 chân BKS: 47H-029.24, 47H-029.26, 47H-012.14 (dán logo Công ty TNHH Minh Sáng) chở đá nối đuôi nhau chạy qua cầu buôn Niêng 2. Theo quan sát, tài xế phải liên tục canh bánh xe bởi chiều rộng của cầu Buôn Niêng 2 chỉ đủ xe lọt qua.

    Sau khi ì ạch bò qua cầu, những chiếc xe tải trọng lớn này ra tỉnh lộ 1, rồi rẽ trái chạy về hướng Buôn Đôn – Ea Súp.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 6).

    Bất chấp biển giới hạn tải trọng 10 tấn, nhiều xe tải trọng “khủng” vẫn chở đá nối đuôi nhau qua cầu.

    Theo tìm hiểu của PV, mỏ đá nói trên của Công ty TNHH Minh Sáng. Vào cuối năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Minh Sáng, với diện tích 50.285 m2 tại buôn Niêng 2, công suất khai thác 45.000 m3 (đá nguyên khai/năm). Thời hạn khai thác chế biến đá và thuê đất là 20 năm, kể từ ngày UBND tỉnh ban hành giấy phép cho phép khai thác đá.

    Ông Trịnh Quang Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl thông tin, mỏ đá của Công ty Minh Sáng đóng cửa từ năm 2018, vừa rồi mới khai thác lại.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 7).

    Các xe ben tải trọng lớn nối đuôi nhau qua cầu 10 tấn. 

    Đối với phản ánh của người dân về việc xe tải trọng lớn đi qua cầu nhỏ, ông Tấn cho biết, xã đã mời Công ty Minh Sáng lên làm việc. Công ty cam kết sẽ nhờ tư vấn, thiết kế, xin nguồn để cải tạo lại cầu.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 8).

    Mỏ đá của Công ty TNHH Minh Sáng.

    “Họ đã cam kết thì cho qua chứ giờ sao… Hôm làm việc, tôi có chỉ đạo mời ban tự quản buôn, giao trách nhiệm ban tự quản tuyên truyền cho dân, tạo điều kiện cho công ty làm ăn, phát triển. Từ hồi làm việc đến giờ, ban tự quản không có ý kiến gì với chính quyền địa phương”, ông Tấn nói.

    Về việc quản lý tải trọng của các xe chở đá, theo ông Tấn thuộc thẩm quyền của công an giao thông và thanh tra giao thông.

    Dân sinh - Cầu dân sinh 10 tấn oằn mình “cõng” xe “khủng”, địa phương... cho qua chứ giờ sao? (Hình 9).

    Liên quan đến những phản ánh của người dân, PV đã liên hệ với Công an huyện Buôn Đôn để nắm thông tin, nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Khánh Ngọc

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU