Sự việc bất ngờ trở nên căng thẳng khi Cao Thái Sơn mới đây biểu diễn công khai trên sân khấu 2 ca khúc Bình yên nhé và Yêu thương quay về mà Nathan Lee đã mua độc quyền từ nhạc sĩ Khắc Việt. Đáp trả lại hành động này, Nathan Lee tuyên bố sẽ để luật sư làm việc.
Sau đó, Cao Thái Sơn xác nhận đã sử dụng những sáng tác này trong buổi biểu diễn hôm 27/6 tại một chương trình âm nhạc ở Mỹ. Tuy nhiên, anh phủ nhận “hát trộm” vì cho rằng bản thân chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ nhạc sĩ Khắc Việt, đề nghị ngưng hợp tác hoặc yêu cầu không sử dụng hai sản phẩm âm nhạc trên. Anh khẳng định khi nào Khắc Việt có thông báo chính thức về việc bán độc quyền ca khúc trên các phương tiện truyền thông và gửi công văn đến anh, lúc đó anh sẽ thực hiện đúng nguyên tắc.
Về phía Khắc Việt, đại diện của anh cho biết hai ca khúc trên đã được nam nhạc sĩ ký hợp đồng chuyển nhượng độc quyền cho Nathan Lee với thời hạn hai năm kể từ ngày 13/6/2021. Phía nam nhạc sĩ cho rằng họ không có nghĩa vụ thông báo với Cao Thái Sơn vì Cao Thái Sơn đã hết hợp đồng độc quyền sử dụng ca khúc từ lâu và thống nhất để Nathan Lee chủ động giải quyết vấn đề trên.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ca sĩ Thu Trang cho hay: “Việc mua bán ca khúc độc quyền là quyền tự do giữa nhạc sĩ và ca sĩ, đây là việc “thuận mua vừa bán” giữa hai bên với nhau. Pháp luật không cấm việc nhạc sĩ bán bài hát độc quyền cho ca sĩ. Miễn là việc mua bán diễn ra văn minh, đúng luật.
Việc mua bán ca khúc độc quyền mới có ở Việt Nam nên nhiều người thấy lạ lẫm, vì trước nay vẫn có tình trạng “hát chùa”. Nhạc sĩ sáng tác xong ai lấy hát cũng được mà không được ai hỏi ý kiến hay xin phép, vì thế nhiều ca sĩ cứ hát, cứ kiếm tiền và nhận cát xê, thậm chí giàu có mà nhạc sĩ vẫn nghèo, vẫn không ai biết đến. Vậy là thiệt thòi quá. Việc mua bán ca khúc độc quyền là việc nên làm”.
Nói về việc bán bài hát độc quyền, nhạc sĩ Tiến Minh thì cho hay: “Việc mua bán – cho tặng bài hát độc quyền là ở tuỳ từng nhạc sĩ. Có người vì quý mến ca sĩ mà tặng không, nhưng cũng có người bán lại ca khúc độc quyền với giá hợp lý, với số năm sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, các cụ vẫn nói “có thực mới vực được đạo”, đừng nói sao làm nghệ thuật mà “tiền bạc” thế. Nhạc sĩ vẫn phải sống, vẫn phải có nguồn thu để duy trì mà sáng tác chứ.
Đây là sự tự nguyện của 2 bên chứ không phải từ cơ quan nhà nước nào. Có chăng thì những người làm chuyên nghiệp sẽ uỷ quyền cho luật sư làm việc thì sẽ chặt chẽ và đúng luật hơn. Về việc Cao Thái Sơn hát bài mà Nathan Lee đã mua độc quyền rồi mà chưa xin phép là tham lam và phạm luật. Nathan Lee hoàn toàn có thể kiện ra toà để làm rõ việc này”.
Chia sẻ với PV luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (đoàn luật sư HN) cho hay: “Việc mua bán bài hát độc quyền là hoàn toàn đúng luật và pháp luật bảo vệ điều này. Khi một ca sĩ hát bài hát đã được mua độc quyền mà chưa xin phép, chưa có sự đồng ý là sai. Cụ thể, Cao Thái Sơn hát hai ca khúc Yêu thương quay về và Bình yên nhé – ở thời điểm đã được Nathan Lee mua độc quyền với Khắc Việt trên mọi lãnh thổ, là không phù hợp theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Luật sở hữu trí tuệ, tùy theo tính chất, mức độ mà pháp luật điều chỉnh. Cụ thể Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 tại Điều 2, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Ở khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 – 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 – 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 – 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.
Đại diện cục Bản quyền Tác giả (bộ VH,TT&DL) cho hay, mua bán độc quyền bài hát là giao dịch 2 bên giữa nhạc sĩ (người sáng tác) và ca sĩ (người sử dụng bài hát), các thoả thuận này cần văn minh thì phải làm chuyên nghiệp như cần có luật sư tham gia. Chỉ khi tác giả cần đăng ký bản quyền tác giả bài hát (để tránh các trường hợp sao chép, sử dụng không được phép hoặc bị cá nhân/tổ chức khác đăng ký bản quyền trước, dẫn đến việc ảnh hưởng đến quyền lợi chính tác giả) thì mới làm hồ sơ về cục Bản quyền Tác giả.
Khi đó, tác giả sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, đây là một cơ sở để các chủ thể khác biết được tác phẩm âm nhạc, bài hát đó của ai, để từ đó, đưa ra những quyết định chính xác về việc nhận chuyển quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền tác giả bài hát, tác phẩm âm nhạc theo đúng quy định của pháp luật; Đăng ký bản quyền tác giả bài hát, tác phẩm âm nhạc là một hình thức để bài hát, tác phẩm âm nhạc chính thức được công chúng biết đến thông qua các quyền về tài sản của tác giả/chủ sở hữu tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cao-thai-son-hat-ca-khuc-nathan-lee-doc-quyen-tham-lam-va-pham-luat-a519534.html