noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểm“Cào bao nhiêu cho thủng dửng dưng"...

    “Cào bao nhiêu cho thủng dửng dưng"…

    Tai nạn khi xảy ra nó thường ở vào chỗ không ngờ nhất… Chung quy lại, nó là trách nhiệm của người lớn, của những người có trách nhiệm.

    Là câu thơ trong một bài thơ mà PGS.TS nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh đã viết ngay sau khi nghe tin lại một cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên cả ngày trên xe đưa đón và cháu đã chết, chết trong sự khiếp sợ đến tột cùng, cô đơn tột cùng, chết một mình trong một cái xe là phương tiện vốn dĩ hàng ngày đưa đón cháu đến trường, về nhà.

    Tôi cứ ám ảnh và hình dung cảnh khi cháu tỉnh ngủ, thấy xung quanh chả có ai, rồi cháu đuối dần, đuối dần tới chết. Cái phút cuối cùng của cháu ấy, nó mới khủng khiếp biết bao.

    Bài thơ anh Hạnh có những câu đau đến tận cùng:

    “Lại một em bé bị bỏ quên rồi chết trong xe đưa đón …

    Tiếng gọi non-ngón tay tơ -ánh mắt thơ cố cào lên tấm kính dày

    Kính nóng lắm và nỗi sợ lạnh lắm

    Cào bao nhiêu cho thủng dửng dưng?…

    … Nếu con, cháu chúng ta gào khóc rồi chết ngạt trong chiếc xe đó

    Trái tim chúng ta sẽ vỡ như thế nào?!”…

    Thực ra, cái món xe đưa đón học sinh ở nước ta ấy, nó mới có gần đây thôi. Ban đầu nó như một mảnh ghép lỗi. Người ta tận dụng những chiếc xe cũ, xe cận date, thậm chí là hết date, không chở khách được nữa thì dùng để đưa đón học sinh.

    Hồi ấy có báo tả xe chở học sinh đang chạy rơi mà cả… cửa. Rồi sau đấy có một đợt, ngành giao thông vận tải tổng kiểm tra các loại xe đưa đón học sinh, tình hình có đỡ hơn. Nhưng đỡ không có nghĩa là không có, bởi trừ một số trường có điều kiện, còn đa phần là tận dụng xe chở khách cũ.

    Và vì thế, việc không có một quy trình đưa đón chặt chẽ cũng là đương nhiên, mà trường hợp này, và trước đấy mấy vụ, mà vụ có vẻ “tương đồng” là vụ trường Gateway (trường Gateway Interrnational Shools nay đổi tên thành The Dewey Shools), cũng một cháu bé chết trên xe như thế, và kết thúc bằng bản án dành cho người đi đón các cháu và lái xe, là ví dụ đau lòng không thể bù đắp được.

    Vụ học sinh Thái Bình này cũng đã khởi tố, đã có người bị bắt giam, một việc làm tất nhiên, nhưng có giam được nỗi đau không, có nhốt sự thương xót được không, và đặc biệt, thế cuối cùng, nguyên nhân của nó là gì?

    Rất nhiều ý kiến đã được nêu ra, nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ, từ nước ngoài tới trong nước, những là trang bị chuông, trang bị camera, những là dạy cho các cháu biết bóp còi, biết phá kính vân vân…

    Nhưng quả là, tai nạn khi xảy ra nó thường ở vào chỗ không ngờ nhất. Vả trong trường hợp cháu bé 5 tuổi này, phá kính là gì, bóp còi là gì, chắc gì cháu đã biết.

    Nên chung quy lại, nó là trách nhiệm của người lớn, của những người có trách nhiệm.

    Trong trường hợp cụ thể này, nó là một chuỗi liên hoàn các sai lầm, một chuỗi hành vi vô trách nhiệm đến không giải thích được.

    Đa chiều - “Cào bao nhiêu cho thủng dửng dưng'...

    Xe ô tô 36 chỗ màu đỏ đỗ bên ngoài cổng Trường Mầm non Hồng Nhung được người dân đập vỡ cửa kính để giải cứu cháu bé, đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch (Ảnh: MXH)

    Đầu tiên là tài xế. Nguyên tắc của tài xế là người cuối cùng xuống xe, cả xe con cá nhân lẫn xe chở khách. Tài xế này đã không làm thế, chứ nếu anh là người cuối cùng, và có trách nhiệm với xe mình, lướt mắt một vệt, thể nào chả phát hiện ra cháu bé, dẫu cháu ngủ trên ghế, lút vào các thành ghế. Nhưng bà cháu nói, cháu ngồi ngay sau ghế tài xế, thì nếu tài xế nhìn lại xe của mình trước khi xuống xe đóng cửa thể nào chả thấy cháu?…

    Quy định ghi rõ: “Đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe, người lái xe phải thực hiện kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe trước khi rời khỏi xe”.

    Ở đây còn chuyện thế này nữa, “đơn vị kinh doanh vận tải” chỉ có 1 xe, 1 lái xe, thậm chí chủ xe là lái xe… nên cái sự thực hiện các quy định nghiêm ngặt như các công ty vận tải lớn nó khác, thậm chí cứ hiểu lơ mơ thế rồi ký hợp đồng và chở.

    Ngay các xe khách cũng thế, công ty… một xe với công ty hàng trăm xe nó rất khác nhau về sự chuyên nghiệp, về sự thực hiện nội quy, quy định.

    Một anh bạn có xe và có con nhỏ còn phổ biến kinh nghiệm: Đưa con lên xe xong bố mới lên xe, và bế con xuống xong bố mới rời xe, và quá trình con lên và xuống xe bố đều đứng phía ngoài (là kinh nghiệm để con không bị bắt cóc).

    Rồi đến nhân viên có trách nhiệm đưa đón. Đây là cái nút lớn nhất của tai nạn. Người này đã không làm tròn trách nhiệm, là lỗ hổng lớn nhất. Nên không phải ngẫu nhiên, công an khởi tố và bắt giam người này đầu tiên.

    Nhưng còn hai cô giáo, người đã phát hiện ra cháu bé vắng mặt trong lớp mà không có ý kiến báo vắng của phụ huynh, đã chụp danh sách đưa lên hệ thống, nhưng lại không liên hệ với phụ huynh, không mảy may băn khoăn, không một chút gì linh tính kiểu như các cụ xưa nói là “thần giao cách cảm”…, và cả cái gọi là “hệ thống” ấy là gì mà khi giáo viên báo lên thiếu một học sinh cũng không có một phản ứng nào?

    Vân vân, và trên hết, là nhà trường.

    Họ đã không có một quy định chặt chẽ, nằm lòng, một thứ bắt buộc phải làm cho từng công đoạn đưa đón. Đã có xe đưa đón thì phải có những quy định bắt buộc, từ giao, nhận, từ chăm sóc tới nhận rồi giao.

    Ở đây, cái sơ đẳng nhất là ký giao nhận học sinh, liên quan đến số phận từng con người, họ đã bỏ qua. Nên một cháu bé “mất tích” khỏi lớp học suốt ngày, thực chất là nằm trên cái xe ngay ở cổng trường tới chết mà không ai phát hiện ra.

    Tất nhiên sự việc đã xảy ra rồi, và tất cả những người liên quan đã và đang rất ân hận, không ai muốn nó xảy ra, nó hết sức là ngoài ý muốn, và họ đang phải trả giá, nhưng rõ ràng, qua sự việc này, các cơ quan liên quan cần phải có những quy trình hết sức chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, những quy định bắt buộc nếu trường muốn sử dụng xe đưa đón, ít nhất phải được kiểm tra chặt chẽ như hành khách lên máy bay, bởi đối tượng là các cháu học sinh, nhất là các cháu rất nhỏ như trường hợp vừa rồi. Tóm lại phải có một quy trình chặt chẽ như robot, hoàn toàn không được dựa vào cảm xúc, và chủ quan, vào trạng thái của con người.

    Sáng nào tôi đi bộ thể dục cũng gặp một cái xe đưa đón học sinh vào đúng lúc 6h05’ thì đón một cháu ở cái chung cư tôi đi bộ qua. Và khi xe dừng thì tôi thấy đa phần các cháu trên xe đang… ngủ. Mà đấy là các cháu học sinh Trung học Phổ thông, còn các cháu bé hơn, chúng ngủ là đương nhiên.

    Tôi muốn trích mấy câu thơ của nhà giáo, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết viết tặng vong linh bé 3 tuổi hi sinh khi cứu em khỏi bị ong đốt khi đọc tin cháu bé 5 tuổi hết sức đau lòng này để kết bài. Đọc bài thơ của chị, nhiều người đã khóc:

    “Một mình con đơn độc

    Giữa trái đất đông người!

    Ba năm hay trăm năm

    Giữa dòng thời gian,

    cũng chỉ là chớp mắt

    Con đã sống bao nhiêu cuộc đời trong giây phút ấy

    Với tột cùng những đau đớn… hãi hùng… yêu thương… tuyệt vọng

    Những nỗi đau đi theo con

    Chỉ tình yêu còn lại

    Một tình yêu thánh nhân

    Đủ cho cuộc đời lành lặn”…

    Cậu cháu kể rằng, khi phá được cửa xe, thì thấy ở ghế cháu ngồi, có nhiều vết tay cào. Dấu tích những phút cuối đời của cháu.

    Đọc mà nghẹn lại, ôi những dấu ngón tay 5 tuổi…

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU