noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môCảnh báo “vỡ quy hoạch” đối với sầu riêng khi nông dân...

    Cảnh báo “vỡ quy hoạch” đối với sầu riêng khi nông dân trồng tự phát

    Tại Tiền Giang, việc trồng sầu riêng ồ ạt, tự phát đang khiến nông dân đứng trước nhiều rủi ro, nhất là những khu vực chưa đảm bảo hạ tầng thủy lợi.

    Ùn ùn chuyển qua trồng sầu riêng

    Sau khi đạt đỉnh vào dịp Tết Quý Mão, giá sầu riêng hiện trong tháng 3/2023 đang giảm và có thể còn tiếp tục giảm mạnh. Đây là hệ quả của việc sản xuất không gắn với quy hoạch. 

    Giữa tháng 3/2023, ông Phan Văn Hoằng – chủ 8 công (8.000m2) sầu riêng ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang lo lắng vì đầu tháng 2/2023, giá sầu riêng Monthong (Thái Lan) được thương lái mua tại vườn từ 160.000-180.000 đồng/kg, thậm chí 200.000 đồng/kg.

    Nhưng đến cuối tháng, giá sầu riêng Monthong giảm còn 120.000-130.000 đồng/kg; giá sầu riêng Ri6 từ 120.000-130.000 đồng/kg cũng giảm còn 90.000-100.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng vẫn có lời nhưng không lời đậm như trước nữa. 

    Được biết, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 17.000ha. Khoảng giữa tháng 3/2023 các nhà vườn sẽ thu hoạch đồng loạt nên dự đoán khi đó, giá sầu riêng có thể giảm mạnh hơn.

    Kinh tế vĩ mô - Cảnh báo “vỡ quy hoạch” đối với sầu riêng khi nông dân trồng tự phát

    Sản xuất sầu riêng tại Tiền Giang đang có nguy cơ cung vượt quá cầu, khiến giá bắt đầu đà giảm.

    Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho hay, hiện nay địa phương rất lo lắng khi người dân ồ ạt trồng sầu riêng.

    Hàng năm, huyện này đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho từng nhóm cây trồng và diện tích chuyển đổi của từng xã dựa trên cơ sở định hướng Đề án Chuyển đổi cây trồng của tỉnh.

    Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái, nhất là sầu riêng diễn ra rải rác chưa theo quy hoạch dẫn đến nhiều rủi ro.

    Từ năm 2021 đến nay, nông dân đã chuyển từ đất lúa, cây ăn trái già cỗi sang trồng cây ăn trái với diện tích gần 1.400ha, chủ yếu là sầu riêng (930 ha). Từ đó, tổng diện tích sầu riêng hiện có của toàn huyện là khoảng 7.000 ha.

    Ông Sơn cho biết: “Hiệu quả của cây sầu riêng đã thấy rõ. Nông dân thu nhập tiền tỷ từ cây sầu riêng đã là chuyện bình thường. Do đó, diện tích sầu riêng cứ tăng lên. Giá sầu riêng tăng cao nên người dân trồng các loại cây ăn trái khác đã chuyển sang trồng sầu riêng”.

    UBND huyện Cái Bè đã kêu gọi nông dân phải cân nhắc khi chuyển đổi, nhất là nguồn lực tài chính của gia đình. Bởi cây sầu riêng trồng khoảng 5 năm mới cho hiệu quả kinh tế, cần tránh tình trạng đầu tư nửa chừng rồi thiếu vốn.

    Mặt khác, địa phương chưa quy hoạch đầu tư hệ thống thủy lợi để phục vụ trồng sầu riêng nên có một số trường hợp cây chết.

    Là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy có 10.555ha sầu riêng; trong đó có khoảng 8.500ha đang cho trái ổn định, năng suất từ 20 – 23 tấn/ha/năm. Diện tích sầu riêng của huyện tập trung phần nhiều ở các xã phía Nam của Quốc lộ 1 và một phần của thị trấn Bình Phú.

    “Do đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên người dân đã tự chuyển đổi từ cây trồng khác và từ đất lúa kém hiệu quả. Hiện trên địa bàn huyện còn diện tích vườn tạp, canh tác lúa kém hiệu quả khoảng 200 ha năm giữa Quốc lộ 1 và đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Nhà vườn có xu hướng chuyển đổi sang trồng sầu riêng”, đại diện Phòng NN&PTTN huyện Cai Lậy cho hay.

    Nguy cơ cung vượt cầu

    Nhìn nhận thực tế này, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang băn khoăn khi việc chuyển đổi sang cây trồng khác tại địa phương thời gian qua rất nhiều, nhưng tăng nhiều nhất vẫn là cây sầu riêng.

    Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc trồng cây theo phong trào đã mang đến cho nông dân nhiều bài học xương máu. Gần đây nhất là bài học về việc ồ ạt trồng mít Thái.

    Do đó, việc phát triển “nóng” cây sầu riêng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt thích ứng và thị trường. Trong đó, việc chuyển đổi tự phát ngoài quy hoạch, hạ tầng thủy lợi chưa đảm bảo cho việc trồng cây ăn trái đang dấy lên lo ngại về khả năng thích ứng của loại cây này.

    “Sự gia tăng nhanh diện tích như hiện nay, sầu riêng cũng đứng trước các nguy cơ “cung vượt cầu”. Thị trường tiêu thụ khó khăn do phụ thuộc vào Trung Quốc, được mùa mất giá… như các ngành hàng khác trong thời gian vừa qua (thanh long, mít…)”, ông Mẫn chỉ ra.

    Lo ngại lớn nhất là sự chuyển đổi sang trồng sầu riêng tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất như: Cây không sinh trưởng tốt; chất lượng trái không đảm bảo… người dân khó thu hồi vốn trong khi chi phí đầu tư cho cây sầu riêng là rất lớn.

    GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, chuyên gia nông học đánh giá, trong thời gian đi thực tế tại nhiều vùng, có những khu vực người dân trồng sầu riêng ngay cả trên những vùng không phù hợp, không hiệu quả với loại cây này.

    Có những vùng tuy không bị nước mặn đe doạ, nhưng lại có nguy cơ bị lũ ảnh hưởng. Hoặc có những vùng buộc phải đóng cống để ngăn mặn, khi đó phèn từ dưới đất sẽ xì lên ảnh hưởng đến cây trồng.

    Còn theo TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng nếu không được kiểm soát tốt sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.

    Một vấn đề rất nguy hiểm nữa là nông dân thiếu kinh nghiệm khi chuyển từ cây lúa sang cây ăn trái nên sẽ gặp khó khăn. Ngay cả việc chọn giống cây trồng, nông dân mua giống sầu riêng trôi nổi, không rõ nguồn gốc không đảm bảo chất lượng nên khi trồng sẽ không hiệu quả.

    Trước tình trạng người dân ồ ạt trồng sầu riêng, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đang phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẩn trương phối hợp với các địa phương khảo sát chi tiết để xác định vùng trồng sầu riêng thích nghi mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đảm bảo tính bền vững, chứ không để bà con tự phát.

    Sau khi xác định vùng trồng sẽ có tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với từng vùng. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tại các địa phương về hướng dẫn kỹ thuật canh tác sầu riêng không để nông dân thất bại…

    Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang sẽ hướng dẫn các địa phương nên quy hoạch khu vực vùng trồng gắn liền với đầu tư hạ tầng thủy lợi cần thiết. Một trong những vấn đề quan trọng là phải hình thành được các hợp tác xã đủ mạnh để thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng.

    Đừng để phải “giải cứu nông sản”

    Cuối tháng 2/2023, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã gửi công văn đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo phát triển cây sầu riêng theo đúng định hướng, quy hoạch.

    Theo Cục Trồng trọt, ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững cây sầu riêng, nhưng hiện nay, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển “nóng” ở các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

    Đáng lưu ý là việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp hoặc phá cây cà phê, hồ tiêu để trồng xen sầu riêng, chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng.

    Cục Trồng trọt cảnh báo, nguy cơ sầu riêng cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ, rớt giá là khó tránh khỏi. Thêm nữa, việc trồng sầu riêng ở các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sầu riêng.

    Theo đề án của Bộ NN&PTNT về phát triển bền vững cây ăn trái chủ lực đến năm 2030, diện tích sầu riêng cả nước được quy hoạch khoảng 65.000 – 75.000ha. Thế nhưng, đến nay, chỉ riêng ở các tỉnh phía Nam, diện tích trồng sầu riêng đã lên khoảng 80.000ha và tiếp tục tăng thêm.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU