Đối thoại Shangri-La, khai mạc ngày 2/6 tại Singapore, là một trong những hội nghị an ninh quan trọng nhất trong lịch trình quốc tế, quy tụ các quan chức an ninh cấp cao từ hơn 40 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia và Nhật Bản.
Còn được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức và hiện là lần thứ 20, cuộc họp thường niên tạo cơ hội cho các cường quốc thế giới giải quyết tình trạng thiếu đối thoại về các vấn đề quốc phòng.
Tuy nhiên, hội nghị kéo dài 3 ngày có nguy cơ bị phủ bóng bởi rạn nứt không thể hàn gắn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Liên lạc song phương gặp khó
Trước thềm hội nghị, hôm 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đã gặp người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen. Hai bên đã đồng ý thiết lập một đường dây liên lạc quốc phòng và an ninh trực tiếp giữa các chỉ huy quân sự hàng đầu của Trung Quốc và Singapore trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sự thiếu hụt liên lạc giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ sớm được khắc phục, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh từ chối yêu cầu của Washington về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước bên lề diễn đàn.
Tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).
Nhưng các kênh liên lạc giữa Washington và Bắc Kinh đã bị gián đoạn kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan hồi tháng 8/2022, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh. Cho đến nay liên lạc song phương vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.
Đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến công du tới Bắc Kinh sau khi Washington bắn hạ thứ mà họ mô tả là một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu không nhằm mục đích do thám.
Hôm 1/6, ông Austin cho biết, thật “đáng tiếc” khi Trung Quốc từ chối cuộc gặp được đề xuất.
“Các vị đã nghe tôi nói nhiều lần về tầm quan trọng của việc các quốc gia có năng lực đáng kể có thể nói chuyện với nhau nhằm quản lý khủng hoảng và ngăn mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát một cách không cần thiết”, ông Austin cho biết trong cuộc họp báo chung ở Tokyo với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada.
“Tôi lo ngại một lúc nào đó sẽ xảy ra một sự cố có thể rất, rất nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông bổ sung.
Một trong những trở ngại chính cho cuộc gặp được đề xuất là lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ông Lý, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 3.
Bắc Kinh muốn lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ trước khi tham gia bất kỳ cuộc gặp song phương nào.
Các biện pháp trừng phạt được chính quyền của ông Donald Trump áp đặt vào năm 2018 sau khi ông Lý, người lúc đó đứng đầu Bộ Phát triển Trang bị thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã phê duyệt việc mua hàng từ Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga Rosoboronexport, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400.
“Mỹ nên nhận thức được nguyên nhân gây ra những khó khăn trong đối thoại giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ, tôn trọng các mối quan tâm về chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc, ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai trái và thể hiện sự chân thành”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) cho biết hồi đầu tuần.
“Chúng ta phải tự hỏi liệu sự từ chối có đến từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay không”, bà Mao lưu ý.
Cách nhìn khác nhau về đối thoại
Tiến sĩ Chong Ja Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng việc không có cuộc gặp song phương chính thức trong năm nay cho thấy mối quan hệ “không thoải mái, thậm chí căng thẳng” giữa hai cường quốc.
Tình thế khó xử mà Washington và Bắc Kinh đang gặp phải “tiết lộ những tầm nhìn khác nhau về cơ bản về vai trò của truyền thông trong các mối quan hệ giữa các cường quốc”, theo ông James Crabtree, giám đốc điều hành Văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La.
“Nhìn từ Washington, thông tin liên lạc là cần thiết nhất trong một cuộc khủng hoảng… Nhưng quan điểm của Bắc Kinh gần như hoàn toàn ngược lại”, ông Crabtree cho biết trong một phân tích cho IISS. “Trung Quốc coi giao tiếp là điều nên xảy ra khi quan hệ tốt đẹp. Nếu quan hệ xấu đi, việc cắt đứt các kênh liên lạc là cách dễ dàng để thể hiện sự không hài lòng”.
Ông Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Mỹ hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng “không ngạc nhiên khi không có cuộc gặp nào, xét đến mối quan hệ căng thẳng hiện nay. Mặc dù việc ông Austin và ông Lý gặp nhau có thể sẽ trấn an các quốc gia khác trong khu vực, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ thay đổi động lực an ninh hoặc những bất ổn tiềm tàng”.
“Những gì các vị đang thấy là sự xuất hiện của một cấu trúc an ninh khu vực”, ông Thompson cho biết. “Khu vực đang thực sự xích lại gần nhau vì lợi ích chung về an ninh và ổn định khu vực”.
Điều này được nhấn mạnh bởi một loạt các sáng kiến song phương và đa phương đã xuất hiện trong vài năm qua, bao gồm việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và việc nối lại Đối thoại An ninh Tứ giác giữa Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ.
“Trung Quốc có quyền lựa chọn trở thành một phần của điều này, nếu họ chọn”, ông Thompson cho biết. “Nhưng Bắc Kinh sẽ cần thay đổi cách tiếp cận của mình một cách hiệu quả và xem xét tác động của các chính sách đối với các nước láng giềng”.
Minh Đức (Theo La Prensa Latina, CNBC, Strait Times)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cang-thang-my-trung-phu-bong-dien-dan-an-ninh-chau-a-shangri-la-a610803.html