Ngày 21/6/2023, Bộ Tài chính đã chính thức có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Dự thảo Luật nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến khác nhau liên quan đến một số quy định cụ thể như phương pháp tính thuế, thuế suất đối với các sản phẩm rượu, bia, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thức uống đại mạch, nước giải khát có đường và nước giải khát không cồn…
Kiến nghị nới thời gian để DN phục hồi
Tại hội thảo “Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi” sáng 4/7, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu được Chính phủ thực hiện vào năm 2016.
Nêu kiến nghị, Chủ tịch VBA đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; dự kiến áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%.
Ông cũng đề xuất bổ sung mặt hàng thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, có các thành phần gồm mạch nha, đại mạch, nấm men bia, hoa bia, nước vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự kiến áp dụng thuế suất thuế là 10%.
Ông cũng cho rằng, chưa nên sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
Trước đề xuất của VBA, bà Lê Thùy Linh – Phó Trưởng phòng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nêu rõ, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì, lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
“Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và đang ở khâu lập đề nghị, còn các đề xuất hoàn toàn dựa vào chủ trương của Đảng và Nhà nước”, bà Linh nói.
Bà Linh dẫn giải, Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó có đề ra việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa có hại cho sức khỏe; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 có đưa ra định hướng về sửa đổi bổ sung các luật thuế.
Hay Nghị quyết 43 của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi phát triển, cần xây dựng phương án tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng cần đánh thuế tiêu dùng, kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội;
Cùng với đó, Quyết định 02 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó đề ra, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
“Với đề xuất hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và thông qua, phê duyệt”, bà Linh nhắc lại.
Có lộ trình tăng phù hợp
Góp ý, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) nêu rõ, nhu cầu sử dụng bia, rượu là rất thật trong đời sống trên rất nhiều chiều cạnh đời sống của mọi tầng lớp dân cư.
Ông nhấn mạnh, đây chính là cơ sở tạo cung và có tác động qua lại với sản xuất kinh doanh, và cùng với đó còn là công ăn việc làm, thu nhập người lao động, nguồn thu ngân sách và cả cạnh tranh trên thị trường.
“Vấn đề là việc sử dụng quá mức hay lạm dụng bia rượu có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn, thậm chí tiêu cực cho xã hội về đảm bảo sức khỏe và cả an toàn, ổn định xã hội. Đây chính là lý do ra đời của thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm ngăn ngừa tác động có hại của rượu bia”, ông Thành nói.
Theo thông lệ, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu, gồm: thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỉ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); và thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.
Từ đó, vị chuyên gia kiến nghị giữ nguyên phương pháp tính thuế thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025.
“Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%”, ông nói và cho rằng, thời điểm này là phù hợp khi ngành sản xuất bia trở lại mức của năm 2019 và đây cũng khoảng thời gian quý báu hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
TS. Nguyễn Văn Phụng – nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) đề xuất tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia theo tỉ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.
Ông Phụng cho rằng, nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỉ lệ phần trăm ở mức vừa phải và có lộ trình có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách.
Đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng Chính phủ nên tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỉ lệ như hiện nay, đồng thời có cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý dựa trên tình hình kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn.
“Một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt đang chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam”, bà Quỳnh Anh nêu.
“Đây chưa phải thời điểm phù hợp để áp dụng ngay mà cần lộ trình dài hơi hơn (có thể từ 5 – 10 năm tới) để đa số các doanh nghiệp bia rượu trong nước có đủ thời gian chuẩn bị và sẵn sàng”, bà nói.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/can-nhac-thoi-gian-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-a615608.html