Khu di tích “ba không” nổi tiếng
Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Khu di tích Đền thờ Trạng Trình) ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng là di tích quốc gia đặc biệt thứ 2 của thành phố Cảng sau danh lam thắng cảnh Cát Bà.
Trong thời gian dài, du khách trong nước và quốc tế khi đến đây, nhiều người tỏ ra “ngán ngẩm” trước tình trạng hàng quán bè phè, một số hạng mục, nhất là lan can hồ bán nguyệt, phần sân quảng trường tượng đài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cổng đá Tam Quan, bị xuống cấp.
Theo thông tin từ UBND huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, trước thực trạng này, với nhiều nỗ lực và cố gắng, đến năm 2019, địa phương đã hoàn thành việc di dời toàn bộ 22 hàng quán ra khỏi khuôn viên khu di tích.
Bên cạnh đó, được sự chấp thuận của Trung ương, Tp.Hải Phòng, huyện Vĩnh Bảo sử dụng vốn ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa tổng cộng hơn 12 tỷ đồng thực hiện 3 công trình: Chỉnh trang, mở rộng cổng vào Khu di tích, tôn tạo tường bao hồ bán nguyệt và tu sửa mặt sân quảng trường tượng đài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Các công trình này được hoàn thành trước dịp kỷ niệm 435 năm Ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2021 trong niềm vui mừng, hân hoan của người dân Vĩnh Bảo quê hương ông cũng như du khách trong và ngoài Tp.Hải Phòng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tái – Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền thờ Trạng Trình cho biết, sau khi hoàn thành việc di dời hàng quán khỏi khuôn viên khu di tích, đơn vị bố trí nhân lực thường xuyên quét dọn bảo đảm vệ sinh chung, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND huyện Vĩnh Bảo không thu bất cứ khoản phí, lệ phí nào đối với người dân địa phương và du khách tới thăm quan.
Bên cạnh đó, UBND xã Lý Học dành khoảng đất rộng gần khu vực cổng vào, bố trí nhân lực trông coi xe miễn phí cho người dân, du khách đến thăm quan khu di tích tất cả các ngày trong tuần, nhất là dịp nghỉ lễ, Tết.
“Từ năm 2021 đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành khu di tích thứ hai tại Tp.Hải Phòng, cùng với Khu di tích Quốc gia Bạch Đằng Giang ở huyện Thủy Nguyên, đáp ứng đầy đủ tiêu chí “ba không”. Đó là không hàng quán, không rác thải và không mất tiền”, ông Nguyễn Văn Tái – Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền thờ Trạng Trình, thông tin.
Cần bảo đảm “lượng” đi liền với “chất”
Thời gian qua, với danh tiếng và ảnh hưởng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng nỗ lực tuyên truyền, quảng bá của huyện Vĩnh Bảo, Khu di tích Đền thờ Trạng Trình đã trở thành một trong ba điểm đến thu hút đông khách du lịch nhất của Tp.Hải Phòng.
Trong 9 tháng năm 2023, Tp.Hải Phòng đón hơn 6,2 triệu lượt du khách. Trong đó, Khu di tích Đền thờ Trạng Trình đón gần 1,1 triệu lượt, Khu du lịch Cát Bà đón hơn 2,4 triệu lượt và Khu du lịch Đồ Sơn đón hơn 2,6 triệu lượt.
“Dự kiến trong 3 tháng cuối năm, Khu di tích Đền thờ Trạng Trình đón khoảng 300.000 lượt du khách trong và ngoài Tp.Hải Phòng. Qua đó, nâng tổng số lượt khách du lịch trong cả năm 2023 lên gần 1,4 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay”, ông Nguyễn Văn Tái – Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền thờ Trạng Trình, phấn khởi chia sẻ.
Tuy nhiên, mặc dù “lượng” là số lượt du khách thăm quan Khu di tích Đền thờ Trạng Trình tăng cao, nhưng “chất” là số tiền chi tiêu trung bình mỗi lượt du khách lại không được như kỳ vọng.
Năm 2022, theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, toàn huyện đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách (hơn 90% khách du lịch khi đến huyện Vĩnh Bảo chỉ tìm đến Khu di tích Đền thờ Trạng Trình), nhưng doanh thu từ dịch vụ du lịch chưa đầy 600 tỷ đồng.
Làm phép tính đơn giản, trung bình mỗi lượt du khách đến huyện Vĩnh Bảo chi tiêu chưa đến 400.000 đồng so với tỷ lệ trung bình của Tp.Hải Phòng hơn 900.000 đồng (năm 2022, Tp.Hải Phòng đón hơn 7 triệu lượt du khách, doanh thu từ dịch vụ hơn 6.300 tỷ đồng).
Lý giải tình trạng này, theo ông Hoàng Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, lượng khách thăm quan Khu di tích Đền thờ Trạng Trình chủ yếu là học sinh, sinh viên và người dân địa phương đến vãn cảnh, thắp hương tri ân, tưởng nhớ Trạng Trình với mức chi tiêu khá thấp.
Bên cạnh đó, tại huyện Vĩnh Bảo và các địa phương lân cận ít có điểm đến “xứng tầm” với Khu di tích Đền thờ Trạng Trình, nên khó xây dựng tua, tuyến du lịch kéo dài. Du khách chủ yếu đến theo kiểu “chớp nhoáng” trong 2 – 3 tiếng nên mức chi tiêu cũng hạn chế.
Đối với du khách muốn lưu trú, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, như cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí, của địa phương chưa đáp ứng được, nhất là đối với khách có mức chi tiêu cao như khách du lịch nước ngoài.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, chia sẻ: “Theo tôi, để phát huy hơn nữa giá trị Khu di tích Đền thờ Trạng Trình, chính quyền Tp.Hải Phòng cũng như huyện Vĩnh Bảo cần quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phụ trợ một cách đồng bộ để thu hút khách du lịch lưu trú. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá thu hút bộ phận du khách có mức chi tiêu cao.
Bên cạnh đó, phối hợp các địa phương lân cận xây dựng những tua, tuyến du lịch theo chuyên đề thu hút hơn nữa khách du lịch cũng như tăng thời gian lưu trú. Chẳng hạn: Tìm hiểu những vị trạng nguyên ở Hải Phòng; Tìm hiểu về “Sấm Trạng”; Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, danh nhân nổi tiếng ở địa phương”.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/can-bao-dam-luong-di-lien-voi-chat-tai-den-tho-trang-trinh-a631141.html