Liên quan đến sự việc một cán bộ đang công tác tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế có hành vi thiếu chuẩn mực ở điểm du lịch Huế mà Người Đưa Tin đã đăng tải, ngày 8/6, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Hội đồng kỷ luật của đơn vị vừa họp và có kết quả xử lý với cán bộ này.
Trước đó, tại bến thuyền du lịch dọc sông Hương, ông T.B.T, Phó trưởng ban Phong trào thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế đã không làm chủ được bản thân, có dấu hiệu sử dụng nhiều rượu, bia, mặc quần đùi, cởi trần và la ó, chửi bới.
Hành động phản cảm này được nhiều người dân, các chủ thuyền, nghệ sĩ biểu diễn ca Huế và khách du lịch chứng kiến, ghi lại.
Ngay sau khi nắm bắt sự việc, ban lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu ông T. viết bản tường trình và thành lập hội đồng xem xét xử lý hành vi thiếu chuẩn mực trên.
Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế , trong bản tường trình, vị cán bộ này đã thừa nhận hành vi vi phạm do say xỉn và bày tỏ sự ân hận.
Sau khi họp bàn, Hội đồng kỷ luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định xử lý kỷ luật ông T. bằng hình thức cảnh cáo. Đồng thời yêu cầu cán bộ này cần khắc phục khuyết điểm.
Đây không phải là lần đầu tiên ở Huế xảy ra sự việc cán bộ công chức có những hành thiếu chuẩn mực tại nơi cư trú và công cộng.
Chỉ cách đây khoảng 1 năm, sự việc ông H.T.D, cán bộ sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế lấy chức vụ ra dọa sau khi người dân phản ứng việc ông này đậu xe trước cửa nhà mình cũng để lại ấn tượng không mấy đẹp trong dư luận.
Dù hai sự việc không xảy ra tại công sở làm việc nhưng hành vi của 2 cán bộ D. và T. đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ, công chức trong mắt người dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, cán bộ là đầy tớ của nhân dân, nhưng cũng là tấm gương mẫu mực để dân noi theo.
Mỗi hành vi của cán bộ công chức, dù bất cứ ở đâu, thời điểm nào, cũng được xã hội, người dân nhìn vào đánh giá. Theo đó, nếu tốt thì dân sẽ noi gương, còn nếu xấu thì dân cũng sẽ kịch liệt lên án phê phán.
Bởi vậy, người cán bộ cần phải giữ hình ảnh, sự ứng xử chuẩn mực không chỉ trong công sở, mà phải mọi lúc, mọi nơi. Điều đó là thể hiện sự tôn trọng nhân dân, người thân già đình và giữ được hình ảnh đẹp cho cơ quan nơi mình công tác.
Trở lại sự việc của Phó trưởng ban Phong trào thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, bài học đắt giá của ông T. có lẽ không chỉ là việc phải nhận hình thức kỷ luật của đơn vị công tác, mà còn là việc phải hứng chịu những búa rìu từ dư luận, đặc biệt là sự xấu hổ trước người thân, bạn bè, đồng nghiệp chỉ vì một phút “quá chén” của bản thân mình.
Lê Kông
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cai-gia-mot-phut-qua-chen-cua-pho-truong-ban-o-hue-a611820.html