Các công ty bán dẫn lớn nhất của Mỹ đang bắt tay vào nỗ lực cuối cùng để vượt qua các hạn chế mới đối với việc bán hàng sang Trung Quốc. CEO của các công ty này sẽ tới Washington vào tuần tới để gặp các quan chức chính quyền và các nhà lập pháp Mỹ.
CEO của Intel, Qualcomm, Nvidia và các công ty bán dẫn khác đang lên kế hoạch vận động hành lang chống lại việc mở rộng các hạn chế bán cho Trung Quốc một số loại chip và thiết bị để sản xuất chất bán dẫn mà chính quyền Biden sắp triển khai trong những tuần tới, theo Reuters.
Mặc dù họ không mong muốn ngăn chặn tất cả các hành động, nhưng các công ty đang nhận thấy cơ hội để thuyết phục nhóm của Tổng thống Biden rằng sự leo thang sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực ngoại giao hiện tại của Nhà Trắng nhằm thu hút các quan chức Trung Quốc và thiết lập một mối quan hệ hiệu quả hơn.
Các công ty chip đang là trung tâm của cuộc xung đột ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington. Mỹ, nơi bắt nguồn phần lớn công nghệ, tin rằng việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với chip sẽ giúp củng cố an ninh quốc gia và kìm hãm nỗ lực nâng cao năng lực quân sự của quốc gia châu Á.
Các cuộc họp vào tuần tới, có thể bao gồm các phiên họp chung giữa các giám đốc điều hành và quan chức Mỹ, diễn ra trong bối cảnh Nvidia và các công ty chip khác lo sợ mất doanh thu vĩnh viễn cho một ngành có số lượng lớn doanh nghiệp ở Trung Quốc khi mối quán hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng.
Reuters cho biết, mục tiêu của các lãnh đạo công ty là đảm bảo rằng các quan chức chính phủ hiểu được tác động có thể xảy ra của bất kỳ việc thắt chặt hơn nữa các quy tắc xung quanh những loại chip nào có thể được bán cho Trung Quốc.
Các công ty lập luận rằng việc bị cắt khỏi thị trường lớn nhất của họ sẽ gây tổn hại đến khả năng chi tiêu vào việc phát triển công nghệ, cuối cùng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Qualcomm kiếm được hơn 60% doanh thu từ Trung Quốc bằng cách cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Xiaomi. Intel coi Trung Quốc là thị trường lớn nhất của mình với khoảng ¼ doanh số bán hàng. Trong khi đó, đối với Nvidia, Trung Quốc mang lại khoảng 1/5 doanh thu.
Tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các quy định cấm các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn bán một số công cụ nhất định cho Trung Quốc, cũng như cấm xuất khẩu một số chip được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thông báo này đã gây chấn động toàn ngành.
Cho đến nay, các nhà sản xuất thiết bị chip như Applied Materials Inc. đã chịu ảnh hưởng lớn nhất với doanh thu sụt giảm hàng tỷ USD. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế cũng đang ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất thiết bị khác.
Khả năng vận chuyển các máy gia tốc trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong ngành của Nvidia đến Trung Quốc đã bị hạn chế bởi một quy trình phê duyệt, khiến công ty này phải trả giá bằng doanh số bán hàng.
Chính quyền Mỹ đang có kế hoạch cập nhật và hoàn thiện những biện pháp kiểm soát đã được công bố. Theo Bloomberg, Mỹ đang gây ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài nhằm tiếp tục cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc.
ASML Holding NV, một trong những nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất, đang phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ hơn từ chính phủ Hà Lan và những hạn chế mới từ Mỹ, vì một số sản phẩm của họ được sản xuất tại Mỹ.
Nhìn chung, các quy định mới của Mỹ cũng sẽ phản ánh kết quả của các cuộc đàm phán với Nhật Bản và Hà Lan.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Bloomberg)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cac-ong-lon-nganh-chip-sang-washington-ban-doi-sach-ve-trung-quoc-a617461.html