Bất động sản đứng thứ hai trong số các ngành có lượng đầu tư FDI lớn nhất
Theo số liệu mới công bố ngày 20/3/2023 của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của của nhà đầu tư nước ngoài trên cả nước đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới vẫn tăng. Cụ thể, số dự án đăng ký mới đạt 522 dự án, tăng 62,1% so với cùng kỳ.
Bất động sản vẫn là ngành đứng thứ hai trong số các ngành có lượng đầu tư FDI lớn nhất với tổng vốn đầu tư trong 03 tháng đầu năm đạt 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ. Các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%).
Theo số liệu giai đoạn năm 2022 – 2023, thị trường Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt dự án xây dựng nhà máy sản xuất, chế tạo trị giá hàng tỷ USD đến từ những Tập đoàn lớn như Lego (Đan Mạch), Samsung (Hàn Quốc), Trina Solar (Đài Loan, Trung Quốc).
Ngay trong tháng đầu năm 2023, Apple cũng đang lên kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất Macbook sang Việt Nam. Foxconn và Goertek (chuỗi cung ứng của Apple) trong tháng 2.2023 đã lần lượt ký hợp đồng thuê đất công nghiệp tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và lên kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất.
Cùng với Apple, những hãng công nghệ hàng đầu như Oppo, HP, Brose cũng đang tiến hành khảo sát với mục tiêu mở mới, di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Tuy có một số nhận định cho rằng xu hướng đầu tư FDI năm 2023 có nguy cơ chậm lại do suy thoái kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đánh giá, bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể duy trì nguồn cầu nhờ vào sức hút, ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào tình hình kinh tế vĩ mô tương đối ổn định.
Bài toán quỹ đất công nghiệp
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam phân tích: “Thị trường bất động sản Việt Nam đang được hưởng lợi từ những ưu thế đến từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định và mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn. Trước thực tế các công ty đa quốc gia vẫn đang tìm cách đa dạng hoá khu vực hoạt động hoặc di dời ra khỏi Trung Quốc, thị trường bất động sản công nghiệp Việt đang phát huy điểm sáng trong việc tạo điều kiện thu hút đầu tư. Bên cạnh các nhà đầu tư đã dày dặn kinh nghiệm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc, thị trường còn cần những hỗ trợ bài bản hơn nữa để thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ và Châu Âu”.
Ngay sau khi biên giới mở cửa trở lại, những nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán. Điển hình là việc gã khổng lồ Foxconn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang. Với kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh, Foxconn đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tập đoàn nghiên cứu thuê lại 50,5ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu để mở rộng quy mô, với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD. Sau đó, Samsung cũng nâng tổng mức đầu tư vào Việt Nam lên 20 tỷ USD, tập trung phát triển các nhóm ngành về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data).
Báo cáo Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương của Savills cho biết, vào quý IV/2022, thị trường đã ghi nhận một số giao dịch nổi bật. Tại phía Nam, Matsuya R&D (Nhật Bản) đã đầu tư thêm khoảng 6,7 triệu USD vào dây chuyền sản xuất tại khu công nghiệp Hố Nai, tỉnh Đồng Nai. Thêm vào đó, Giant Manufacturing (Đài Loan), tập đoàn nổi tiếng với các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất xe đạp và phụ tùng xe đạp, đã đầu tư thêm 13 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP 2 tại Bình Dương. Tại phía Bắc, giao dịch nổi bật có thể kể đến việc Taihan Precision Technology đầu tư 5,3 triệu USD tại Cẩm Giàng, Hải Dương.
Mới đây, sự kiện phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Theo Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ.
Trong số những doanh nghiệp này có nhiều tên tuổi đáng chú ý như Công ty Hàng không vũ trụ Boeing, Tập đoàn Công nghiệp quân sự Lockheed Martin, Tập đoàn Công nghệ SpaceX hay những cái tên quen thuộc như Apple, Coca-Cola, Ford, Netflix..
Ông John Campbell cho rằng ngành công nghiệp và sản xuất sẽ tiếp tục dẫn đầu trong thu hút dòng vốn ngoại với sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về đất công nghiệp và nguồn cung xây sẵn chất lượng cao.
Tuy nhiên, hiện nay việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành một bài toán khó cho các doanh nghiệp, khi tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức cao. Cụ thể, tại một số tỉnh phía Nam như Bình Dương hay Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức trên 95%. Tại thị trường phía Bắc, các tỉnh có thị trường bất động sản công nghiệp phát triển như Bắc Giang và Bình Dương đều có nguồn cầu cao với tỉ lệ lấp đầy từ 96 – 99%.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu hạn chế sẽ ảnh hưởng tới việc cho thuê các diện tích lớn. Trong khi đó, nguồn cung mới của thị trường không thực sự nhiều.
Nguyên nhân do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khiến chi phí đền bù cộng với giá đất ở Việt Nam đã tăng nhiều trong thời gian gần đây. Điều này vô hình trung tạo nên thách thức đối với các chủ đầu tư muốn thành lập các Khu công nghiệp mới hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp.
Để có thể hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vấn đề về mặt thủ tục đầu tư, pháp lý và quy trình phê duyệt dự án cần được đẩy nhanh hơn. Các chủ đầu tư cũng kỳ vọng tiến độ, quy trình bồi thường và giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời có thể được tạo điều kiện nhận giấy phép, bản đồ quy hoạch tổng thể, giấy chứng nhận xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong thời gian sớm nhất có thể.
Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển đa dạng hơn các sản phẩm bất động sản công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics. Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối và việc triển khai hệ thống logistics 4.0.
Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng phát triển thêm dự án mới. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built – to – suit) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư.
T.M (tổng hợp)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cac-nha-dau-tu-lon-do-bo-bat-dong-san-cong-nghiep-da-san-sang-a600802.html