Học sinh đất liền kể chuyện về những người thầy nơi đảo xa
Trong Hội trại Vững tiến do Làng trẻ em SOS Nha Trang phối hợp với Nhóm STEAM Nha Trang tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, các em học sinh đã có buổi gặp gỡ, giao lưu đầy cảm xúc với thầy giáo Nguyễn Hữu Phú. Thầy Phú vừa trở về đất liền giảng dạy vào tháng 6/2023, sau năm 5 tình nguyện ra Trường Sa dạy học.
Điều đặc biệt của buổi giao lưu chính là các em của Làng trẻ em SOS cùng một số học sinh trên địa bàn Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được gặp người thầy “bước ra” từ tác phẩm báo chí đã được nghe kể trước đó.
Theo đó, trong Hội thi kể chuyện sách thiếu nhi Tp.Nha Trang lần thứ XX năm 2023 được tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, em Cao Thị Hồng Nhung (sinh năm 2010) đến từ Làng trẻ em SOS Nha Trang đã kể về câu chuyện của các thầy giáo tình nguyện ra dạy học ở Trường Sa. Và tại hội trại hôm ấy, em đã một lần nữa kể lại chính câu chuyện đã giúp mình đạt giải 3 trong hội thi.
Với chủ đề “Khánh Hòa trong trái tim em”, Hồng Nhung đã đưa người nghe đến thăm vùng đất xa xôi nhưng lại vô cùng thiêng liêng, đó chính là quần đảo Trường Sa. Qua giọng kể của mình, em đã đưa khán giả gặp gỡ các chiến sĩ cầm phấn với sứ mệnh dựng xây con người. Đó chính là những người thầy cần mẫn, không quản khó khăn, mang con chữ đến các em nhỏ ở đảo xa – một nghĩa cử thầm lặng nhưng cao đẹp.
“Em tin rằng hình ảnh ấy không chỉ làm rung động trái tim em mà còn làm thổn thức trái tim của bao người dân Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Chúng ta cùng đến thăm và gặp gỡ qua bài viết Chuyện về những người thầy ở Trường Sa của tác giả Phan Sáu, được đăng trên báo ảnh Dân tộc và Miền núi của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam”, Hồng Nhung giới thiệu về bài kể chuyện của mình.
Với giọng kể trầm ấm, đầy yêu thương, Hồng Nhung đã thuật lại bài viết trên để khán giả hiểu hơn về công tác dạy và học ở đảo; những khó khăn, vất vả và lòng yêu nghề, yêu trẻ của các thầy giáo trẻ tình nguyện nơi đảo xa. Trong đó có thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (sinh năm 1982, trú huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), khi ấy đang giảng dạy tại Trường tiểu học Song Tử Tây.
“Những người thầy cao cả và những học sinh bé nhỏ ở Trường Sa trong câu chuyện chính là những tấm gương vượt khó của các bạn thiếu nhi Khánh Hòa, là động lực để chúng em phấn đấu trong học tập và trở thành những người có ích trong tương lai”, Hồng Nhung chia sẻ.
Gặp gỡ người thầy từ tác phẩm “bước ra” đời thực
Sau phần kể chuyện đầy xúc động của Hồng Nhung, thầy Nguyễn Hữu Phú bước ra trong tiếng vỗ tay, reo hò của các em học sinh.
Chia sẻ trong buổi giao lưu, thầy Nguyễn Hữu Phú cho biết, thầy dạy học ở Trường tiểu học Song Tử Tây từ năm 2018 – 2023. Trong 5 năm công tác ở xã đảo, ở giữa trùng khơi, thầy có rất nhiều kỷ niệm, nhất là tình cảm của các em học sinh nơi đây đã dành cho mình.
“Mặc dù nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành nhưng điều kiện học tập của các em ở đảo vẫn còn nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt. Chính vì vậy, đồ dùng dạy học từ đất liền gửi ra rất nhanh hỏng do hơi nước mặn. Các thầy giáo phải tự mày mò, tìm kiếm các vật dụng có sẵn như thùng mì gói, vỏ sò, vỏ ốc, san hô… để làm những đồ dùng học tập thay thế. Nếu phải chờ từ đất liền gửi ra sẽ mất nhiều thời gian và khi gặp phải sóng gió thì càng khó hơn”, thầy Phú cho biết.
Kể lại thời khắc khi cơn bão số 9 (xảy ra vào ngày 18/12/2021) đi qua, ảnh hưởng trực tiếp đến đảo Song Tử Tây, thầy Phú càng nghẹn ngào, xúc động hơn khi nhắc về tình cảm của các em học sinh dành cho mình.
Thầy kể, vì lo ngại nước dâng, sóng lớn, gió to gây đổ cây, sập nhà nên lúc đó học sinh được phụ huynh gửi lên thư viện ở tầng 2 của trường để tránh trú bão dưới sự quản lý của các thầy. Các em được dặn dò kỹ là “không được ra ngoài”.
Sau đó, cửa phòng đã được chốt kỹ và cột dây thừng. Tuy nhiên, gió quá mạnh nên dây thừng chèn cửa bứt ra, cánh cửa cũng mở toang ra ngoài. Một lần nữa thầy dặn học sinh không được chạy ra và bạn nào vi phạm sẽ bị phạt nặng. Dặn dò xong, thầy bước nhanh về phía cửa, dùng sức kéo cửa đóng lại. Tuy nhiên, vì gió quá lớn, thầy kéo mãi vẫn không đóng được. Thấy vậy, các em học sinh đã cùng chạy ra phụ thầy kéo cửa.
“Khi cửa đã được đóng lại, tôi hỏi “Các em không sợ thầy phạt à?”. Các em đều trả lời, lúc đó con không sợ phạt nữa mà chỉ biết rằng phải phụ thầy kéo cửa vào thôi, thầy có phạt thì con cũng chịu. Tôi rất cảm động với tình cảm mà các em đã dành cho mình”, thầy Phú kể về những học sinh thân yêu của mình.
Nói về động lực để vượt qua những khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy nơi đảo xa, thầy Phú tâm sự: “Ai xa nhà cũng đều nhớ người thân của mình nhưng tôi quyết tâm đi đến những nơi khó khăn như quần đảo Trường Sa, miền núi để dạy học, đem con chữ đến cho các em. Tôi lấy tình cảm, tình thương của mình dành cho học sinh để có thể vượt qua tất cả”.
Không chỉ vậy, trong lần về đất liền tập huấn, thầy Phú còn đem sản phẩm giáo dục STEAM ra đảo để các em có thể vừa chơi vừa học. Với thầy, việc đó không chỉ làm phong phú thêm các trò chơi cho học sinh mà còn giúp các em vui hơn khi sống ở đảo.
Trong thời gian công tác ở đảo xa, thầy còn sáng tác rất nhiều bài thơ về nơi đây. Và, trong buổi giao lưu, thầy đã dành tặng cho các trại sinh những vần thơ trong bài Ngôi trường ở đảo xa, Yêu lắm Trường Sa. Qua những vần thơ ấy, mỗi trại sinh đều có những cảm nhận của riêng mình về tình cảm mà thầy dành cho học sinh của mình và thêm tự hào về biển đảo quê hương:
“…Yêu lắm ngôi trường ơi
Sừng sững giữa biển trời
Yêu lắm các em nhỏ
Kiên cường giữa đảo xa”
(trích bài thơ Ngôi trường ở đảo xa)
Tấm lòng của thầy giáo nơi đảo xa
Hồng Nhung cho hay: “Em chọn tác phẩm này để tham gia kể chuyện vì thấy hay và ý nghĩa. Khi biết sẽ được gặp thầy ngoài đời thực, em đã rất hồi hộp và mong chờ. Trong hội trại, em được gặp thầy trực tiếp nên rất vui. Qua chia sẻ của thầy, em thấy thầy là người rất yêu thương trẻ em, hay giúp đỡ mọi người và càng cảm phục hơn tinh thần kiên cường, vượt khó của thầy Phú”.
Chia sẻ ngay sau khi buổi giao lưu kết thúc, em Trần Thu Trâm, ở Làng trẻ em SOS Nha Trang nói rằng: “Đêm nay là một đêm thật tuyệt vời vì em gặp được một người thầy như thầy Phú. Em học ở thầy rất nhiều về tinh thần kiên cường, quyết tâm vượt khó đến cùng, không sợ gian khổ. Thầy còn có tấm lòng lương thiện, yêu quý dành cho học sinh, vì vậy em mến thầy ngay khi gặp lần đầu tiên”.
Dù bản thân các em ở Làng trẻ em SOS Nha Trang có hoàn cảnh đặc biệt nhưng qua chuyện kể của thầy Phú, các em cảm thấy mình vẫn thật may mắn khi nhận được sự chăm sóc, giáo dục của các mẹ, các dì, cô cậu ở làng. Và, càng hiểu hơn những khó khăn của các bạn học sinh ở đảo xa.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, thầy Nguyễn Hữu Phú cho biết: “Tôi là người ở vùng nông thôn, việc học gặp khó khăn, gián đoạn đến 10 năm vì hoàn cảnh gia đình. Do đó, tôi hiểu rằng việc học rất quan trọng, nhất là đối với các em có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2013, tôi bắt đầu nộp đơn xin ra Trường Sa dạy, mãi đến năm 2018, sau nhiều lá đơn, tôi mới đạt được nguyện vọng”.
Đảm nhận lớp học ghép ở Trường tiểu học Song Tử Tây, thầy Phú cho biết gặp không ít khó khăn khi phải dạy các em nhiều khối lớp trong cùng một lớp học. Tuy nhiên, thầy luôn cố gắng phân chia thời gian, bài dạy phù hợp để có thể truyền tải kiến thức cho học sinh một cách đầy đủ và dễ hiểu nhất.
Ông Lê Hùng Nghệ, Giám đốc Làng trẻ em SOS Nha Trang cho biết, buổi giao lưu đã cho các em ở làng những cảm nhận sâu sắc khi được gặp gỡ nhân vật từ câu chuyện kể đến ngoài đời thực.
“Qua hoạt động này, cũng giúp cho các em cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió. Đồng thời, tạo động lực cho các em cố gắng vươn lên, vượt qua chính mình để học tốt và trở thành công dân có ích cho xã hội trong tương lai”, ông Nghệ nói.
Clip: Các em học sinh tham gia trại hè và giao lưu với thầy Nguyễn Hữu Phú
Châu Tường
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/buoi-gap-go-day-cam-xuc-giua-thay-giao-ve-tu-dao-xa-va-tre-em-lang-sos-a619839.html